Sau hơn một tháng "khoanh tay" chờ đợi, Nga cuối cùng cũng ra tay can thiệp vào cuộc giao tranh đẫm máu giữa Armenia và Azerbaijan quanh khu vực Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 10/11 ký tuyên bố ba bên về việc lập tức ngừng bắn. Theo tuyên bố này, Armenia trả lại 4 vùng lãnh thổ đang kiểm soát cho Azerbaijan, Nga triển khai gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình vào hành lang kiểm soát rộng khoảng 5 km ngăn giữa khu vực Nagorno-Karabakh và Armenia trong 5 năm.
Quân đội Nga ngày 11/10 triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, được điều động từ lữ đoàn bộ binh cơ giới số 15, tới giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Kavkaz. Tuy nhiên, động thái quân sự này được cho là quá muộn màng để có thể giúp đồng minh Armenia tránh khỏi một thất bại "đau đớn" trước Azerbaijan.
Nga chỉ đưa quân tới khi lực lượng Armenia đã phải rút khỏi các vùng đất ở Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan mà họ kiểm soát được sau cuộc chiến năm 1994. Việc chấp nhận để quân đội Azerbaijan chiếm lại các vùng đất chiến lược ở Nagorno-Karabakh từ tay Armenia tạo điều kiện cho Tổng thống Putin có "lối thoát danh dự" khỏi tình thế bế tắc tồi tệ trong khu vực, theo bình luận viên Leonid Bershidsky của Bloomberg.
Song giải pháp của Putin với xung đột giữa Armenia và Azerbaijan bị đánh giá là không hoàn hảo, khi nó làm suy yếu tuyên bố của ông về khả năng khống chế các "đám cháy âm ỉ" ở Kavkaz, nơi được coi như "sân sau" của Nga, thậm chí gây ra hậu quả tiêu cực đối với vai trò địa chính trị tương lai của Nga ở khu vực.
Thủ tướng Pashinyan đăng trên Facebook rằng đây là một "thỏa thuận đau đớn", dù không chịu thừa nhận Armenia đã thất bại trước Azerbaijan. Tuy nhiên, quyết định của ông vấp phải làn sóng biểu tình, bạo động tại thủ đô Yerevan. Hàng trăm người biểu tình xông vào đập phá dinh thủ tướng, "lấy máy vi tính, nước hoa, bằng lái xe và những thứ khác" tại đây, Pashinyan cho biết.
Người biểu tình cũng tràn vào tòa nghị viện, đập phá đồ đạc, ẩu đả với các nghị sĩ và đánh bất tỉnh Chủ tịch quốc hội Armenia Ararat Mirzoyan. Pashinyan đang cố kiểm soát tình hình, song lời kêu gọi những người ủng hộ "sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh" khiến tương lai chính trị của Thủ tướng Armenia trở nên bấp bênh.
Cơn giận của người dân nhắm vào Pashinyan, người trở thành Thủ tướng Armenia sau cuộc biểu tình phản đối cựu tổng thống Serzh Sargsyan, được cho là một trong những mục tiêu mà Putin muốn đạt được khi Nga "án binh bất động" trong khoảng một tháng. Putin đã có thể giải quyết cuộc xung đột từ trong trứng nước bằng cách điều động hoặc đe dọa tăng lực lượng đồn trú Nga tại Armenia vào tháng 9 hoặc tháng 10, song ông không làm vậy.
Trong cuộc biểu tình năm 2018, Pashinyan tìm cách thuyết phục Putin rằng việc những người ủng hộ ông đòi tự do hóa và chấm dứt tình trạng tham nhũng "không hướng tới cuộc nổi dậy chống Nga" như tại Ukraine năm 2014. Putin duy trì mối quan hệ tương đối tốt với lãnh đạo mới của Armenia.
Putin được cho là không ưa những cuộc chính biến hậu Liên Xô, đồng thời bày tỏ thái độ phật ý trước các cuộc cải cách tự do thận trọng của Pashinyan và việc các tổ chức phi chính phủ phương Tây ngày càng hiện diện nhiều ở Armenia. Tuy nhiên, Tổng thống Nga có thể có những tính toán phức tạp hơn khi quyết định không can thiệp sớm vào cuộc xung đột mà ông nói đã khiến khoảng 5.000 người thiệt mạng.
Nếu can thiệp sớm hơn, động thái này của Nga có thể được coi là ủng hộ công khai và một chiều cho Armenia. Điều đó sẽ đẩy Azerbaijan sâu hơn vào vòng tay của Thổ Nhĩ Kỳ, bên đã cam kết sẽ ủng hộ Tổng thống Aliyev.
Nga cũng đứng trước những thử thách lớn nếu ra mặt hỗ trợ Armenia. Azerbaijan nhiều năm qua thu được khoản tiền lớn từ xuất khẩu dầu khí, giúp quân đội nước này sở hữu nhiều vũ khí tốt hơn. Quân đội Azerbaijan được xếp hạng thứ 64 trên thế giới, trong khi Armenia đứng thứ 111. Hậu quả là Armenia hứng tổn thất nặng trong giao tranh với Azerbaijan.
Quyền kiểm soát của Armenia với Nagorno-Karabakh cũng không được quốc tế công nhận, hiệp ước phòng thủ tập thể ký với Nga không bao hàm vùng lãnh thổ này. Nếu Nga can thiệp thay mặt cho Armenia, động thái này sẽ vượt quá thỏa thuận về nghĩa vụ phòng thủ tập thể.
Điều này sẽ làm suy yếu quan hệ cuối cùng giữa Azerbaijan với Nga, vốn dựa trên lĩnh vực dầu khí.
Cộng đồng Azerbaijan và Armenia tại Nga tương đương về dân số, mức độ giàu có và ảnh hưởng. Do xung đột trong quá khứ giữa Armenia và Azerbaijan, chính quyền Nga chọn cách không ủng hộ bên nào một cách quá công khai.
Putin vẫn cứu vãn được một số tín nhiệm trong cộng đồng Armenia khi can thiệp muộn vào cuộc xung đột. Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga "cứu" Armenia thoát khỏi thất bại toàn diện và mất kiểm soát hoàn toàn với khu vực Nagorno-Karabakh. Đó là cách Thủ tướng Pashinyan giải thích cho việc mất quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ.
"Quân đội tuyên bố chúng tôi phải dừng lại bởi một số vấn đề không rõ có thể giải quyết được hay không, đồng thời nguồn lực chúng tôi đã cạn kiệt", Pashinyan nói trong một video được phát ngày 10/11, song khẳng định sẽ ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng bằng cách đảm bảo Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.
Dù vậy, biến cố này có thể làm lung lay ý chí của người Armenia trong quan hệ hợp tác với Nga. Không giống Azerbaijan, Armenia là thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, khối thị trường chung do Putin khởi xướng, và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Dân Armenia trong và ngoài nước sẽ đặt câu hỏi về giá trị những mối quan hệ này.
Trong khi đó, Azerbaijan được cho sẽ tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giành nhiều nhượng bộ hơn từ phía Nga. Azerbaijan thậm chí còn đề xuất cho binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia giám sát lệnh ngừng bắn bên cạnh quân nhân Nga, song sau đó bị bác.
"Ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô Viết đã bị tổn hại nặng nề", bình luận viên Bershidsky viết. "Hậu quả lớn nhất từ động thái can thiệp giờ chót của Nga là thiệt hại nó gây ra cho khả năng của Putin trong việc đóng băng những xung đột tại các quốc gia từng thuộc Liên Xô".
Bài phát biểu của Tổng thống Azerbaijan Aliyev ngày 9/11 được cho thể hiện rõ nguy cơ này. "Người dân Azerbaijan nhiều lần nghe thấy các nhà hòa giải và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế nói rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột này. Tôi từng nói không đồng ý với luận điểm này và tôi đã đúng", Aliyev nói.
Niềm tin rằng giải pháp quân sự có thể giải quyết vấn đề và Nga chỉ can thiệp khi quá muộn sẽ làm đảo lộn trật tự các cuộc xung đột đang âm ỉ tại các quốc gia vùng Kavkaz. Tổng thống Aliyev cho rằng Azerbaijan có thể đợi tới khi quân đội Nga rời Nagorno-Karabakh và không cam kết từ bỏ quyết tâm đòi lại những vùng lãnh thổ còn lại.
Tương tự, Gruzia, Ukraine và Moldova cũng có thể cho rằng giải pháp quân sự là chìa khóa để giành lại những vùng lãnh thổ họ tuyên bố chủ quyền. Azerbaijan đã phát động chiến dịch quân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng nhân thời điểm Nga bị phân tâm vì biến động chính trị tại Belarus hồi tháng 9.
Uy tín của Moskva thậm chí còn bị tổn hại khi họ không hành động ngay dù quân nhân Nga thiệt mạng trong xung đột. Moskva đã chấp nhận lời xin lỗi của Baku khi binh sĩ Azerbaijan vô tình bắn rơi một trực thăng Nga đang bay trên vùng trời Armenia ngày 9/11, khiến hai thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Tình hình trong không gian hậu Liên Xô phụ thuộc nhiều vào nhận thức về sức mạnh quân sự của Nga và việc Moskva sẵn sàng sử dụng điều này. Kết quả của giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh cho thấy nhận thức này đang thay đổi, có thể mang đến hậu quả khó lường cho Nga và không gian phức tạp thời hậu Liên Xô, Bershidsky nhấn mạnh.
Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg)