"Nga bắt đầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực xung đột Nagorno-Karabakh từ 3h ngày 10/11 (10h giờ Hà Nội), song song với hoạt động rút quân của lực lượng vũ trang Armenia", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết.
Quân đội Nga đã huy động nhiều vận tải cơ Il-76 và các đoàn xe cơ giới để chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc biên chế Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 15 của Quân khu Trung tâm đến biên giới Armenia - Azerbaijan. Sở chỉ huy chiến dịch đã được thiết lập ở thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh.
Theo thỏa thuận đình chiến được Yerevan ký với Mosvka và Baku hôm 9/11, quân đội Nga sẽ duy trì 1.960 binh sĩ, 90 xe thiết giáp và 380 xe cơ giới các loại dọc tuyến biên giới Armenia - Azerbaijan tại khu vực xung đột, cũng như hành lang giao thông nối Nagorno-Karabakh với lãnh thổ Armenia.
Thỏa thuận có hiệu lực từ 1h ngày 10/11 (4h ngày 10/11 giờ Hà Nội) sẽ chấm dứt 6 tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại vùng xung đột Nagorno-Karabakh.
"Tôi vừa ký một tuyên bố với Tổng thống Nga và Tổng thống Azerbaijan về chấm dứt cuộc chiến Karabakh. Đây là động thái đau đớn không thể tả với cá nhân tôi và với người dân. Tôi đưa ra quyết định sau những phân tích chuyên sâu về tình hình quân sự. Thỏa thuận này là giải pháp tốt nhất hiện nay", Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết trong bài đăng Facebook hôm 9/11
Thông báo được đưa ra sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 8/11 tuyên bố nước này đã kiểm soát thị trấn chiến lược Shusha tại Nagorno-Karabakh. Giới chức Armenia cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn trong ngày 9/11, nhưng quan chức ly khai thân Armenia thừa nhận họ đã "hoàn toàn mất kiểm soát Shusha" và lực lượng Azerbaijan đang uy hiếp thủ phủ Stepanakert.
"Chúng ta buộc họ ký văn kiện này. Về cơ bản, đây là sự đầu hàng", Tổng thống Aliyev nói trên truyền hình và khẳng định thỏa thuận có "ý nghĩa lịch sử quan trọng", thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia tiến trình gìn giữ hòa bình cùng Nga.
Khoảng 5.000 người đã thiệt mạng từ khi giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan quanh Nagorno-Karabakh nổ ra hồi cuối tháng 9. Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận thuộc lãnh thổ Azerbaijan, nhưng khu vực này có nhiều người gốc Armenia sinh sống và đòi ly khai để sáp nhập vào Armernia.
Baku và Yerevan từng ba lần đồng ý ngừng bắn vì lý do nhân đạo, nhưng chưa từng ký thỏa thuận chấm dứt xung đột và các lệnh ngừng bắn đều nhanh chóng bị phá vỡ ngay sau khi có hiệu lực.
Vũ Anh (Theo RT)