Sử Ký là tác phẩm Sử học lớn nhất của Trung Hoa. Bộ sách vĩ đại này miêu tả tổng quát về lịch sử Trung Quốc bao trùm 2.000 năm, từ Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế. Việt Nam trước đây có một số bản dịch Sử Ký của Tư Mã Thiên được xuất bản, như bản dịch của Nhượng Tống (1944), hay bản dịch của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê (1970), bản của Nhữ Thành (1963). Nhưng tất cả các bản dịch hoặc có tính nhập môn giới thiệu sơ lược, hoặc là bản dịch tuyển chọn lại, không đầy đủ.
Trần Quang Đức (tác giả cuốn cuốn Ngàn năm áo mũ) từ lâu muốn dịch bộ Sử Ký cho trọn vẹn, nhưng rồi công việc nghiên cứu cuốn anh đi. Cho tới khi công ty sách Nhã Nam tìm người chuyển ngữ bộ sách sử giá trị này, Trần Quang Đức mới có được cú hích để bắt tay vào việc. Sau hai năm miệt mài, Bản Kỷ - phần đầu tiên và cũng là phần quan trọng nhất của Sử Ký - đã được Trần Quang Đức cho ra mắt độc giả Việt Nam hôm 28/9.
Dịch giả Trần Quang Đức (phải) và nhà nghiên cứu Hán - Nôm Trần Trọng Dương. |
Phần Bản Kỷ chia làm 12 thiên, ghi lại tiểu sử của những vị vua nổi tiếng từ thời vị Hoàng Đế thần thoại cho tới Tần Thủy Hoàng và các vị vua nhà Hạ, Thương, Chu. Tiểu sử của bốn vị hoàng đế và một hoàng hậu nhiếp chính (Cao Tổ, Lữ Hậu, Hiếu Văn, Hiếu Cảnh, Hiếu Vũ) nhà Tây Hán trước thời Tư Mã Thiên cũng được cho vào phần này. Bởi thế, Bản Kỷ là cuốn quan trọng nhất trong toàn bộ Sử Ký.
Trần Quang Đức cho biết khó khăn lớn nhất khi dịch là cuốn sách được viết từ quá lâu, ngôn ngữ Hán cổ so với tiếng Hán hiện đại khác nhau rất nhiều. “Sử Ký được viết cách nay 2.000 năm. Nhưng vào thời điểm Tư Mã Thiên viết, ông cũng sử dụng những tư liệu, ngôn ngữ viết bằng tiếng Hán của 3.000 năm trước đó. Có nghĩa là tôi phải đọc, hiểu chữ Hán của 3.000, 4.000 năm về trước”, anh nói. Mặt khác, ngôn ngữ trong Sử Ký cực kỳ súc tích, mức độ co về ngôn ngữ lớn. Có những câu Tư Mã Thiên dùng chỉ vài từ, mà khi dịch, Quang Đức phải diễn giải cả đoạn. Đó là một trong những điểm làm khó cho dịch giả.
Để có thể hiểu thấu đáo Sử Ký, Trần Quang Đức đã phải dựa vào nhiều bản chú giải. Anh cho biết, ở Trung Quốc hiện có khoảng 40 bản Sử Ký Bạch thoại khác nhau. Anh đã tham khảo Sử Ký Tam gia chú (gồm ba bản Sử Ký tập giải của Bùi Nhân đời Lưu Tống, bản Sử Ký sách ẩn của Tư Mã Trinh đời Đường và Sử Ký chính nghĩa của Trương Thủ Tiết đời Đường). Anh cũng tham khảo bản dịch hiện đại có tên Nhị Thập Tứ Sử toàn dịch.
Nếu như trong một số cuốn sách Sử được dịch ngày nay thường đôi chỗ xuất hiện dấu ba chấm (…), là những đoạn người dịch chưa tường tận, thì Bản Kỷ của Trần Quang Đức không có một khoảng mờ nào như vậy. Tác giả tự tin đã làm sáng nghĩa những chỗ khó hiểu của bản gốc khi dịch. “Nếu như có đoạn khó, không chắc chắn, tôi sẽ chú vào đó những giai thoại, những thuyết khác cùng nói về một sự kiện. Ví dụ, sự kiện này là A, nhưng tôi sẽ chú thêm rằng, cũng có thuyết cho nó là B, là C. Tuy nhiên, những đoạn như vậy trong bản dịch của tôi không nhiều” – Trần Quang Đức nói.
Nói về độ chính xác của các sự kiện ghi trong cuốn Sử Ký, Trần Quang Đức đưa ra quan điểm: “Chúng ta không thể nói được những gì ghi trong sách Sử là chân sự thật, mà chỉ có thể tiệm cận hơn với sự thật mà thôi”. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng những gì Tư Mã Thiên viết trong cuốn Sử Ký có độ tin cậy cao, bởi cách làm cẩn thận, khách quan của vị quan Thái Sử. Tư Mã Thiên cũng được thừa hưởng những tư liệu sử sách của cha (vốn là một vị quan chép sử) để lại. Ông cũng phải đi nhiều vùng, để nghe, tìm hiểu, đối chiếu với sử liệu. Như vậy, cách làm của Tư Mã Thiên là kết hợp những Sử liệu thành văn với điều tra điền dã.
Trần Quang Đức đang dịch những phần tiếp theo của Sử Ký, gồm: Biểu (10 thiên), Thư (8 thiên), Thế gia (30 thiên), Liệt truyện (70 thiên). Anh cho biết, trong phần Liệt truyện có những đoạn nhắc tới Việt Nam.
Lam Thu