Vũ Công Mạnh, 30 tuổi, sống tại Hạ Long, cho biết ẩm thực thành phố rất đa dạng, và hội tụ tinh hoa ẩm thực Quảng Ninh. Dưới đây là các hàng quán Mạnh và bạn bè sống tại thành phố hay ghé ăn. Anh cũng chia sẻ mẹo để tránh bị chặt chém, chờ đợi lâu khi dùng bữa, đặc biệt vào dịp cao điểm du lịch.
Kinh nghiệm đi ăn ở Hạ Long mùa cao điểm
Mùa cao điểm hè cũng như dịp cuối tuần, lễ Tết, du khách nên đặt bàn trước tại các nhà hàng lớn. Lý do là những hàng quán này sẽ nhiều khách đi theo nhóm đông, hết bàn từ sớm. Nên tránh ăn vào giờ cao điểm, trưa từ 11h30 đến 13h, tối từ 18h đến 20h, có thể ăn lệch giờ để được phục vụ nhanh.
Dãy phố cổ Sunworld thuận tiện cho việc ăn uống vì gần trung tâm, nhiều hàng quán nhưng giá đắt so với mặt bằng chung. Nên ghé các nhà hàng lớn, nổi tiếng vì giá so với các quán nhỏ, bình dân không đắt hơn, lại niêm yết rõ ràng.
Ăn ở Hòn Gai rẻ hơn và ít đông đúc hơn Bãi Cháy. Nếu thuê khách sạn ở Bãi Cháy, phải bắt taxi đi 7-8 km để sang Hòn Gai. Trong mùa cao điểm, việc bắt taxi khó hơn, thời gian chờ lâu. "Nhưng tính ra ăn ngon mà vẫn rẻ hơn", Mạnh nói.
Một số nhà hàng nổi tiếng như Hồng Hạnh, nơi rất đông khách du lịch và người địa phương tới ăn, có ưu điểm là đồ ăn lên nhanh, ngon. Nhưng đồ ăn thường được phục vụ trên đĩa lớn và nhiều, sẽ phù hợp với những nhóm đi đông người.
Nhiều nhà hàng buffet hải sản giá cả phải chăng. Tuy nhiên bạn không nên quá kỳ vọng vào việc được phục vụ nhiều món "sang chảnh". Lý do là hải sản Hạ Long giá cao, ngay cả khi mua trực tiếp tại chợ. Vì vậy, nếu muốn tươi, ngon, tốt nhất bạn nên đi ăn theo hình thức gọi món, thay vì buffet.
Một gợi ý nữa về việc ăn ngon và không phải chờ đợi là đi chợ Loong Toòng rồi tự nấu.
Sữa chua trân châu, món ăn nổi tiếng khắp nước, ăn ở Hạ Long sẽ khác. Thay vì sữa chua dạng cứng như kem bạn thường ăn ở Hà Nội, người Hạ Long thường ăn sữa chua dạng mềm, được lên men theo kiểu truyền thống kèm chân trâu. "Mọi người ở đây không ăn như vậy (sữa chua dạng cứng như kem). Chúng tôi chỉ có sữa chua cô Dung, cô Phượng, chứ không có sữa chua trân châu Hạ Long", Mạnh nói.
Nhà hàng ở khu vực Bãi Cháy
Nhà hàng buffet Sen Á Đông: gần chân cầu Bãi Cháy, cạnh khách sạn Wyndham. Đây là nhà hàng lớn, đồ ăn phong phú, giá từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng một suất.
Nhà hàng Hải Sản Vua: cửa số 4, chợ Cái Dăm, hải sản tươi sống, giá cả hợp lý. Món nhận được nhiều lời khen ngợi của thực khách là lẩu hải sản, hàu nướng phô mai. Giá tiền các món được niêm yết rõ ràng.
Nhà hàng Hồng Hạnh 3 (chuỗi nhà hàng Hồng Hạnh nổi tiếng ở Hạ Long) được Mạnh đánh giá là "ngon nhưng không rẻ". Giá khoảng 400.000-500.000 đồng một người.
Nhà hàng Hoài Thu 2: hàng quán sạch sẽ, nhưng không quá sanh chảnh như trong các nhà hàng cao cấp. Quán nằm đối diện trụ cáp treo.
Nhà hàng Ẩm thực Á Châu: ở ngã ba Hải Quân, giá cả phải chăng, mỗi suất từ 130.000 đồng một người, phù hợp với đoàn đông.
Khu vực Hòn Gai
Nhà hàng Talata cạnh BigC (tên mới là GO): Quán có tầm nhìn ra vịnh, đồ ăn ngon, giá từ 250.000 đồng một suất. Đậu hũ và nộm hải sản nõn dừa là hai món khách nên thử.
Nhà hàng Đông Hồ: nằm ở đường bao biển cạnh Bảo tàng Hạ Long. Quán có món lẩu hải sản, lẩu xương đầu, gà tần... Người dân địa phương thường hay ăn ở đây.
Quán bia Tâm Hưng 2: nằm trên cảng tàu Vinashin, chiều tối nhâm nhi đồ uống và ngắm biển rất đẹp. Quán có món cá mai nướng được đánh giá ngon, 120.000 đồng một đĩa.
Nhà hàng Thế Giới Ẩm Thực - làng chài: ở đường Cenco 5, gần KTV Hạ Long (một địa điểm bar và karaoke nổi tiếng của thành phố). Giá khoảng 200.000 đồng một người. Quán có các món hải sản, đồ ăn tây bắc và cá nướng tây nam là đặc sản.
Nhà hàng Phương Thúy: ven đường bao biển ngay cạnh siêu thị Big C. Hải sản ở đây được Mạnh nhận xét là tươi, ngon, chế biến phong phú và có tầm nhìn đẹp ra biển.
Nhà hàng Ngói Đỏ: nằm ven đường bao biển Licogi cột 8, chuyên hải sản. Nơi này có món gà nướng đặc biệt nên thử, giá khoảng 200.000 -300.000 đồng một suất.
Nhà hàng Hồng Hạnh 1 (gần chợ Hồng Hà) và 2 (Đông Bắc Cột 5), giá từ 300.000 đồng một suất.
Các quán ăn sáng: Bánh cuốn chả mực Gốc Bàng; bún bề bề quán Minh Đức gần bảo tàng Quàng Ninh; bún tôm ở Cầu Trắng; bún sườn chua cạnh trường Văn Lang; bún bò giò heo ở Cao Xanh, bún giò heo ở Đông Bắc; bún cá Hà Khánh...
Các quán ăn trưa (dành cho khách đã ngán đồ hải sản): bún đậu mắm tôm quán Mỵ hoặc quán Cô Bông; cơm rang Quảng Đông ở gầm cầu Bãi Cháy; cơm sườn Hoàng Anh gần chợ Loong Toòng; các nhà hàng ăn cơm gọi món như Làng Chài, phố ẩm thực Giếng Đồn...
Quán ăn vặt, đêm: sữa chua trân châu, trà sữa Lacassa ở số 11B Anh Đào; sữa chua cô Phượng ở công viên Lán Bè; sữa chua cô Dung chợ cột 2; sữa chua cô Phượng...
Ốc Nàng Dâu ở chợ Hà Lầm; ốc Sơn Béo ở Nguyễn Văn Cừ; cháo trai, bánh mì muối ớt, chè batiso... ở chợ Loong Toòng; miến nàng SiTa chợ Hạ Long 1; gà hầm, tiết hầm, trứng vịt lộn ngay cạnh ngách chợ Hà Lầm, miến ngan ăn đêm Cô Thủy ở đường Cái Dăm...
Các quán cà phê (tiêu chí giơ máy lên là có ảnh đẹp):
1988 Coffe & Bar ở BT01 ở Bạch Đằng: quán có tầm nhìn đẹp. Quán ở tầng 6, có không gian ngoài trời và trong nhà. Buổi tối có skybar ở tầng 7 bán đồ uống có cồn, cocktail... và các loại bánh, đồ ăn đi kèm.
Miam's Coffe & bakery ở 32 Lê Thánh Tông: có phục vụ cả đồ ăn.
Le House Coffee & Spa ở Bến Đoan: quán mang phong cách lãng mạn, phù hợp với các du khách muốn "sống ảo". Điểm trừ là không gian quán hơi nhỏ.
Cherry Coffee ở 24B Vincom Hạ Long: phục vụ các loại cocktail và đồ uống. Không gian quán độc đáo, mang phong cách châu Âu.
Zone Coffee: đối diện trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, đường Hải Quân, mang phong cách rừng gỗ, phù hợp với những du khách yêu thích thiên nhiên. Quán có không gian rộng, nhiều tầng và nhiều góc chụp đẹp.
Vũ Công Mạnh