Theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố, từ đầu năm đến 13/4, Việt Nam nhập khẩu hơn 46.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan. Thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Canada, sau đó lần lượt là Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha... So với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu thịt lợn tăng 300% và gần bằng 70% lượng nhập khẩu cả năm ngoái.
Khảo sát tại một số cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội, các mặt hàng thịt lợn này giá rất rẻ, thấp hơn giá thịt ở chợ. Tại một cửa hàng chuyên thực phẩm nhập khẩu ở quận Hoàn Kiếm, thịt lợn ba chỉ Nga từ 130.000 đồng một kg, sườn Canada từ 115.000 đồng một kg. Tại một số siêu thị, thịt đùi, ba chỉ nhập khẩu có giá dao động 140.000 – 150.000 một kg, sườn khoảng 120.000 đồng một kg... Tại Big C, giá thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn trong nước 20-40%.
Hiện tại, 788 doanh nghiệp của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là Mỹ với 141 doanh nghiệp, thứ hai là Tây Ban Nha với 139 doanh nghiệp, thứ ba là Italy với 120 doanh nghiệp. Từ đầu năm, 108 doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu thịt lợn.
Ngoài thịt lợn, nhập khẩu thịt trâu, bò và gia cầm về Việt Nam cũng tăng mạnh.
Đến 13/4, Việt Nam đã nhập hơn 37.100 tấn thịt trâu, bò. Trong đó, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu thịt bò tăng khoảng 200% (chủ yếu từ Australia, Mỹ, Nga, Canada), thịt trâu tăng 135% (chủ yếu từ Ấn Độ)
Nhập khẩu thịt gia cầm đạt gần 78.400 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường nhập khẩu chính là Mỹ (hơn 65%), Hàn Quốc (14%), Brazil (10%),...
Bên cạnh nhập khẩu các mặt hàng thịt, Việt Nam cũng nhập lợn giống từ Mỹ, Canada, Đài Loan. 3 tháng đầu năm, 4 doanh nghiệp đã nhập 1.808 con lợn giống về Việt Nam.
Anh Tú