Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ 1/4, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi heo như Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty GreenFarm cùng 12 doanh nghiệp khác đồng loạt cho biết đã giảm giá heo hơi xuống còn 70.000 đồng một kg. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá bán, tăng đàn, tái đàn, đồng thời cho phép tăng nhập khẩu thịt heo để kéo giá xuống.
Tuy nhiên, giá thịt heo bán trên thị trường vẫn ở mức cao. Khảo sát tại các siêu thị và chợ truyền thống, giá thịt heo hiện ở mức 140.000-240.000 đồng một kg (tùy loại). Như tại các siêu thị ở TP HCM và Hà Nội, thịt ba rọi 185.000-210.000 đồng một kg, thịt chân giò 160.000-180.000 đồng, sườn thăn 180.000-190.000 đồng. Riêng với các nhãn hàng có thương hiệu, giá ba rọi 286.900 đồng một kg, còn sườn thăn là 295.900 đồng.
Ông Hòa, thương lái chuyên mua heo ở Đồng Nai cho biết, giá heo hơi đang ở mức 73.000 đồng một kg, giảm 2.000 đồng so với cách đó một tuần. Tuy nhiên, qua các kênh phân phối, giá thịt heo bị đẩy lên cao.
"Trước giờ khâu trung gian là đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất. Đặc biệt, tại các chợ nhỏ lẻ, nhiều tiểu thương dù nhập giá thấp vẫn bán giá cao do trước nay họ không bị kiểm soát", ông Hòa giải thích.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, khâu trung gian phân phối đang là đối tượng "nắm giữ" giá thịt heo. Khi giá tăng, họ nhanh chóng đẩy giá lên. Ngược lại, lúc giá thịt heo giảm họ vẫn giữ mức cao với lý do chi phí cộng thêm tăng mạnh. "Khâu này, cơ quan Nhà nước vẫn đang quản lý lỏng lẻo", ông nhìn nhận.
Bác bỏ nguyên nhân do khâu trung gian đẩy giá, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, giá thịt heo qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện theo đúng cơ chế thị trường.
Theo ông, việc tồn tại khâu trung gian là tất yếu để bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người mua. Với thịt heo, khâu trung gian có phần phức tạp hơn do mặt hàng này cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng. Giá thịt heo tăng dần do chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ.
Mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, giá thịt heo sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% do những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và cần mức lợi nhuận tương đương. Nên từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá heo hơi từ 70.000 đồng một kg sẽ tăng lên khoảng 90.000-100.000 đồng.
Mặt khác, giá thịt heo thành phẩm còn qua các giai đoạn giết mổ, pha lóc nên bị hao hụt nhiều. Chẳng hạn, 100 kg heo hơi chỉ thu được 55 kg thịt ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Vì thế, từ giá thành 70.000 đồng một kg hơi, sau khi giết mổ, chi phí một kg thịt thành phẩm (cả nạc và mỡ) sẽ khoảng 127.000 đồng.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân chính khiến giá thịt heo neo mức cao do nguồn cung thịt trong nước giảm và thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến. Dịch tả heo châu Phi trước đó đã ảnh hưởng tiêu cực, làm việc tái đàn còn chậm, tổng sản lượng thịt heo cung ứng ra thị trường trong quý I là 811.000 tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 17,3% so với 2018.
Trong khi đó, nhập khẩu để bổ sung nguồn cung trong nước chưa bảo đảm đúng tiến độ. Đến ngày 27/3 mới nhập khẩu hơn 39.000 tấn. Hiện 15 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn cam kết giảm giá heo hơi xuống 70.000 đồng từ 1/4, nhưng họ chỉ chiếm 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá. Chưa kể, nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp nơi cũng giữ giá.
Ông Tuấn cho biết thêm, một số thương nhân mua heo hơi của công ty chăn nuôi lớn, bên cạnh giá 70.000 đồng một kg thì phải trả thêm chi phí ngoài hóa đơn khoảng 10% (7.000-8.000 đồng mỗi kg). Phần chênh này cũng khiến giá heo hơi trên thị trường ở mức cao.
Là đơn vị phân phối thịt heo tại các cửa hàng và siêu thị với số lượng lớn, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan xác nhận, giá heo hơi doanh nghiệp mua tại cơ sở chăn nuôi cao hơn giá công bố. Hiện, giá thịt heo niêm yết tại các cửa hàng và siêu thị là mức giá bình ổn mà doanh nghiệp phải chịu lỗ.
Theo ông, doanh nghiệp cung ứng công bố giá heo hơi về mức 70.000 đồng một kg nhưng công ty không thể mua được với mức giá này. "Để mua số heo giết mổ cung ứng hàng bình ổn thị trường, công ty phải trả cho doanh nghiệp chăn nuôi mức 75.000 đồng một kg", ông Phú tiết lộ.
Thi Hà- Anh Minh