Vấn đề giá thịt heo "neo" ở mức cao và cách nào giảm nhiệt mặt hàng này một lần nữa được nêu tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá ngày 21/4.
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng cho rằng giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhất là thịt heo vẫn rất cao thời gian qua. "Có chuyện làm giá thịt heo hay không? Lò giết, mổ chợ đầu mối hay thành phần nào hưởng lợi trong vấn đề này?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Giải thích nguyên nhân đầu tiên khiến giá thịt heo chưa thể giảm, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, trước tiên do cung chưa đáp ứng cầu về thịt trong nước. Số liệu của Bộ này cho biết, tốc độ tái đàn sau dịch tả heo châu Phi vẫn chậm khiến giá mặt hàng này tăng.
Dự kiến, tổng sản lượng heo hơi xuất chuồng quý II hơn 900.000 tấn và tăng thêm 100.000 tấn sau mỗi quý. "Cuối quý IV, lượng heo hơi xuất chuồng sẽ đạt hơn 1,1 triệu tấn, đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cho biết.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ thịt heo phụ thuộc vào giá heo hơi. Tức giá heo hơi càng cao, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng tương ứng. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đầu tháng 4, mặt bằng giá heo hơi 73.000-78.000 đồng một kg, còn giá thịt bán tại chợ phổ biến 130.000-150.000 đồng mỗi kg. Hiện, giá heo hơi 80.000-90.000 đồng khiến mỗi kg thịt bán lẻ "nhảy" lên mức 145.000-165.000 đồng.
Một lý do khác cũng khiến giá thịt heo chưa thể giảm là chi phí khâu trung gian, mà theo Tổng cục Thống kê ước tính chiếm 70-90% giá thành. Chi phí này tăng 23.000-28.000 đồng một kg so với trước thời điểm có dịch tả heo châu Phi. Vì thế, Ban chỉ đạo giá cho rằng, việc rà soát, tổ chức lại hệ thống thị trường theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối sẽ góp phần giảm giá thịt heo.
Trước thực tế này, Thủ tướng yêu cầu các bộ kiểm tra, nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi thì "phải xử lý theo quy định pháp luật". Đi liền đó là tăng nguồn cung ứng thịt trong nước, song song với giải pháp tăng nhập khẩu mặt hàng này.
Cho rằng giá thịt heo hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng một kg là "quá đáng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, "người chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được lợi". Ông giao các bộ kiểm tra giá thành tại doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn để có biện pháp giảm giá thịt heo hơi xuống, trước mắt về 60.000 đồng một kg.
Bộ Công Thương được giao nghiên cứu, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng nếu đưa thịt heo vào danh mục mặt hàng bình ổn và có đề án cụ thể báo cáo cấp thẩm quyền.
Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện kịch bản, phương án điều hành giá từng sản phẩm, mặt hàng để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI năm nay dưới 4%.
Liên quan đến khâu trung gian, trả lời VnExpress trước đây, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước từng ‘bác’ chi phí trung gian cao làm giá thịt heo tăng. Theo ông, giá thịt heo qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện theo đúng cơ chế thị trường. Việc tồn tại khâu trung gian là tất yếu để bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người mua.
Với thịt heo, khâu trung gian có phần phức tạp hơn do mặt hàng này cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng. Giá thịt heo tăng dần do chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, giá thịt heo sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% do những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và cần mức lợi nhuận tương đương.
Nên từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá heo hơi từ 70.000 đồng một kg sẽ tăng lên khoảng 90.000-100.000 đồng. Mặt khác, giá thịt heo thành phẩm còn qua các giai đoạn giết mổ, pha lóc nên bị hao hụt nhiều. Chẳng hạn, 100 kg heo hơi chỉ thu được 55 kg thịt ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Vì thế, từ giá thành 70.000 đồng một kg hơi, sau khi giết mổ, chi phí một kg thịt thành phẩm (cả nạc và mỡ) sẽ khoảng 127.000 đồng.
Nguyên nhân chính khiến giá thịt heo neo mức cao, theo ông Tuấn, do nguồn cung thịt trong nước giảm và thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến.
Anh Minh