"Một oanh tạc cơ B-1B Lancer loại biên đã rời căn cứ của Không đoàn Bảo dưỡng và Tái chế Hàng không (AMARG) số 309 tại bang Arizona để trở lại hàng ngũ máy bay ném bom chiến lược thuộc không quân Mỹ. Phi cơ đáp xuống sân bay Tinker hôm 4/4 để bắt đầu quy trình hồi sinh", không quân Mỹ ra thông cáo cho biết.
Máy bay được chọn mang số đuôi 85-0081 và có biệt danh "Lancelot". Không quân Mỹ công bố hình ảnh cho thấy chiếc B-1B hạ cánh tại căn cứ Tinker với lớp vỏ ngoài loang lổ, do chỉ một số bộ phận được bọc vật liệu bảo vệ trong thời gian niêm cất.
"Quyết định hồi sinh Lancelot được đưa ra sau khi một phi cơ cùng loại bị cháy trong quá trình bảo dưỡng ở căn cứ Dyes ở bang Texas hồi năm 2022. Văn phòng Dự án B-1 đã đưa ra nhiều phương án nhằm khôi phục phi đội B-1B về mức quy định, kết luận chi phí sửa chữa máy bay bị cháy vượt quá ngưỡng cho phép và đề xuất rút Lancelot khỏi kho niêm cất", thông cáo có đoạn.
Giới chức Mỹ không tiết lộ quy trình khôi phục khả năng chiến đấu cho Lancetlot sẽ kéo dài trong bao lâu.
Dòng B-1B được sản xuất trong giai đoạn 1983-1988, mỗi phi cơ có giá xuất xưởng khoảng 317 triệu USD, chiếc đầu tiên được biên chế ngày 1/10/1986. Máy bay được trang bị 6 giá treo gắn ngoài cùng ba khoang vũ khí trong thân, cho phép nó mang theo 57 tấn vũ khí các loại, là oanh tạc cơ chiến lược có tải trọng vũ khí lớn nhất của Mỹ.
Lầu Năm Góc đã loại biên 17 máy bay B-1B hồi năm 2021 để tiết kiệm chi phí và dành ngân sách bảo dưỡng, vận hành cho phi đội 45 chiếc còn lại. Không quân Mỹ duy trì 4 chiếc, trong đó có Lancelot, ở trạng thái niêm cất "Type 2000", cho phép hồi sinh và đưa chúng trở lại biên chế sau vài tháng nếu có yêu cầu.
9 chiếc khác thuộc trạng thái niêm cất dài hạn "Type 4000" và gần như không còn khả năng khôi phục, trong khi 4 máy bay cuối cùng được đưa vào bảo tàng hoặc phục vụ huấn luyện, thử nghiệm trên mặt đất.
Hiện chưa rõ không quân Mỹ có kế hoạch hồi sinh thêm oanh tạc cơ B-1B để thay thế phi cơ bốc cháy khi hạ cánh tại căn cứ Ellsworth hồi tháng 1 hay không.
Vũ Anh (Theo War Zone)