Khi sơ cứu, tình trạng Tân dần chuyển xấu, bác sĩ Bệnh viện Bảo Lộc nghi ngờ bệnh nhân đa chấn thương nặng, chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, tối 8/1.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thành Khánh Vân, Trưởng khoa Hồi sức - phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân nhập viện ở giờ thứ 7 sau tai nạn. Lúc này em đã lơ mơ, không tỉnh táo, gọi hỏi không thể trả lời, chỉ hé mắt. Chỉ số huyết áp trồi sụt liên tục, các dấu hiệu sống không ổn định. Mạch ở hai tay bệnh nhân rõ ràng, tuy nhiên mạch ở đùi bẹn chập chờn và yếu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân chấn thương kín vùng bụng ngực, có xuất huyết.
Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị vỡ hoàn toàn eo động mạch chủ tim - một tổn thương cấp tính rất nặng và hiếm gặp. Đây là đoạn ranh giới giữa động mạch chủ lên và xuống. Eo động mạch vỡ, khiến nguồn máu đi nuôi các nội tạng và tứ chi gần như bị cắt đứt. Khoảng 700-800 ml máu chảy vào xoang màng phổi bên trái, gây ra áp lực cao. Nếu máu chảy nhiều thêm, làm vỡ xoang, máu tràn ra ổ bụng, bệnh nhân không tránh khỏi đột tử. Ngoài ra, ruột non bệnh nhân cũng vỡ.
"Bệnh nhân sống được với tổn thương như vậy là một kỳ tích", bác sĩ Vân chia sẻ.
15 bác sĩ lập tức tiến hành ca mổ khẩn hai thì, dài hơn 14 giờ, cứu bệnh nhân. Phẫu thuật viên tim vào cuộc mổ trước, ngăn máu chảy thêm qua đoạn vỡ và tái tạo động mạch chủ, giải quyết nguy cơ đột tử. Các bác sĩ phải sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO), vừa hoạt động thay tim bơm máu đi nuôi não và các cơ quan, vừa chủ động hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống còn 22 độ C, kéo dài thời gian phẫu thuật. Mất 8 giờ, đoạn một cm động mạch bị vỡ nham nhở đã được tái tạo bằng động mạch nhân tạo. Sau khi bệnh nhân thoát nguy cơ đột tử, phẫu thuật viên Ngoại tổng quát tiến hành khâu phần ruột non bị vỡ, chặn các điểm xuất huyết khác.
Bệnh nhân được truyền bù hơn bốn lít máu trong khi mổ. Hậu phẫu, các bác sĩ theo dõi sát sao diễn biến bệnh. May mắn, bệnh nhân thể lực tốt, cao 1,77 m, nặng 64 kg, hồi phục nhanh. Hai vết thương chẻ xương ức và bụng không bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Nếu bệnh nhân thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, thời gian tới không gây thêm tổn thương, thì phần eo động mạch chủ nhân tạo có thể hoạt động tốt đến cuối đời.
Ngày 21/1, Tân đã ăn uống, tự đi lại, vận động nhẹ nhàng. Dự kiến, cần thêm vài tuần nghỉ ngơi, em có thể đi học lại.
Bác sĩ Vân lưu ý, sau tai nạn giao thông, tai nạn lao động... có thể nạn nhân không có dấu hiệu tổn thương ngoài da, song nếu đau đớn, lơ mơ, huyết áp thấp... phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và điều trị kịp thời. Trường hợp chấn thương vùng bụng ngực kín tương tự Tân, kể cả người lớn, khoảng 80% tử vong trước khi vào đến bệnh viện. Có ca được cứu sống, biến chứng và hậu quả cũng rất nặng nề.
Sau nửa tháng túc trực chăm sóc em trai tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh trai bệnh nhân là Trần Nhật Quang, 19 tuổi, chưa hết bàng hoàng: "Lúc bị tai nạn, chỉ thấy tay phải Tân gãy và xây xước hai chân, không ngờ em suýt mất mạng".
Thư Anh