Bác sĩ Trương Nguyễn Hoài Linh, khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất, sáng 1/9 cho biết, bệnh nhân là một đầu bếp, 31 tuổi, làm việc tại TP HCM. Khuya 24/8, tan ca, anh chạy xe máy đi đón vợ thì bị tai nạn giao thông. Phần đầu chiếc xe gẫy vụn, thúc mạnh vào ngực khiến bệnh nhân bất tỉnh. Khi được đưa đến bệnh viện, anh mất hết tri giác, lơ mơ, vật vã, da xanh nhợt.
Bệnh nhân chỉ có duy nhất một vết xước nhỏ trên ngực nhưng huyết áp tụt sâu, chỉ còn 60/40mmHg. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tổn thương cơ quan nội tạng rất nghiêm trọng nên cho siêu âm tim, phổi và chụp CT lồng ngực.
Kết quả cho thấy tràn dịch màng tim lượng lớn, có nhiều máu cục trong xoang màng tim, màng tim trầy xước nhiều. Phía ngoài lồng ngực bệnh nhân có vết lõm bẩm sinh. Các bác sĩ xác định, vụ tai nạn đã tác động một lực cực mạnh vào đúng phần ngực lõm này. Bệnh nhân bị vỡ tim do chấn thương lồng ngực kín, xuất huyết ồ ạt, phải can thiệp khẩn cấp vì "thời gian vàng" cấp cứu khoảng một tiếng.
Chỉ 30 phút sau tiếp nhận, bệnh nhân được đẩy vào phòng mổ trong tình trạng sắp ngưng tim, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ê kíp 9 thành viên làm việc cật lực. Họ vừa thiết lập nhiều đường truyền bù dịch và máu, kích và duy trì huyết áp ổn định, hồi sức cho bệnh nhân, vừa mở lồng ngực thám sát tim. Trong màng bao tim có khoảng 600 ml máu cục bầm lẫn máu loãng chèn ép khiến trái tim tê liệt, đập yếu. Lượng máu tồn được loại bỏ, trái tim đập nhịp nhanh trở lại, huyết áp và mạch ổn định hơn.
"Lúc này chúng tôi biết đã cứu sống được bệnh nhân", bác sĩ Linh nói.
Tuy nhiên, cuộc mổ mới đi được nửa hành trình. Kiểm tra toàn bộ lồng ngực, bác sĩ phát hiện một nhánh xương ức bị gẫy đôi, ngay dưới mỏm tim, đâm vào tâm thất trái gây thủng tim. Vết thương ngay sát động mạch cấp máu chính cho vùng tim bên trái. Nếu động mạch này bị rách, bệnh nhân chắc chắn sẽ đột tử trước khi vào phòng mổ, hoặc nếu cứu được, quá trình phục hồi rất khó khăn. Các bác sĩ tiến hành khâu 6 mũi chỉ, khép miệng vết thương, đồng thời dùng chỉ thép nối liền phần xương gẫy.
Hậu phẫu, bệnh nhân có sức khỏe tương đối tốt nên cai thở máy sớm. Anh phục hồi nhanh, sau một tuần đã tự đi lại, ăn uống bình thường. Vết mổ dài hơn 20 cm dọc ngực đã khô. Bác sĩ Linh tiên lượng, thời gian đầu anh sẽ có các cơn đau ngực nhẹ nhưng sẽ giảm dần và "hầu như không có di chứng nặng nề".
Lõm ngực là một phần nguyên nhân khiến tình trạng vỡ tim của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng. Vì khiếm khuyết bẩm sinh này làm xương ức yếu, dễ gãy hơn bình thường. Vết lõm trũng xuống sát phổi và tim. Nếu lõm nặng, sẽ ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, làm loạn nhịp tim, đau tim nhẹ. Khi va đập, xương không bảo vệ được tim mà còn bị gãy đâm tổn thương tim.
Theo bác sĩ Linh, đơn vị tim mạch của Bệnh viện Thống Nhất đã phẫu thuật nhiều ca vỡ tim, song đây là trường hợp đầu tiên vỡ tâm thất. Trước đó, hầu hết bệnh nhân bị vỡ tâm nhĩ, do cơ quan này nhỏ, các cơ nhĩ mỏng và yếu hơn. Còn phần tâm thất hoạt động co bóp mạnh, liên tục, lượng cơ dày, rất khó tổn thương. Hơn nữa, người vỡ tim thông thường sẽ bầm tím, gẫy dập nặng vùng ngực, nhưng bệnh nhân này thì chỉ xước một đường rất nhỏ trên ngực.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Tân, phụ trách khoa Ngoại Lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết thêm các ca vỡ tim do tai nạn cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Việc đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện có chuyên khoa, trong thời gian vàng, bác sĩ chẩn đoán đúng và điều trị sớm rất quan trọng.
"Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm nhiều năm, chẩn đoán chậm hoặc sai, bệnh nhân khó giữ được tính mạng", bác sĩ Tân chia sẻ.
Thư Anh