Các ứng viên ghi đơn tuyển dụng tại Hội chợ của Ngày hội nhân lực phần mềm VN. |
Tại ngày hội Nhân lực phần mềm Việt Nam 2005 (Rise of Software) do hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech và Liên kết ngành phần mềm Việt Nam (Vietnam Software Cluster) tổ chức mới đây ở Hà Nội, gần 30 doanh nghiệp phần mềm đã đem đến đây nhu cầu tuyển dụng 900 nhân sự cùng một số lượng không nhỏ thực tập sinh. Tuy nhiên, đại diện nhiều công ty cho biết họ không hy vọng sẽ tuyển người thành công ngay tại đây.
Ông Phạm Thúc Trương Lương, Giám đốc công nghệ Công ty TNHH Tinh Vân, cho biết: "Nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) năm 2005 tăng 30-40%, cao nhất trong 39 nhóm ngành nghề. Và để đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động này, nguồn nhân công chất lượng cao phải đạt mức tăng trưởng khoảng 60%/năm".
Trên thực tế, có tới 63,4% công ty phần mềm khẳng định thiếu nhân lực trình độ cao là khó khăn lớn nhất đối với họ và nếu như có đủ người, năng suất của doanh nghiệp sẽ tăng gấp 10 lần. Trong khi đó, mỗi năm cả nước đào tạo được 40.000 nhân lực cho ngành này. Vậy tại sao vẫn có nguy cơ khủng hoảng thiếu? Các chuyên gia nhận định, từ lâu đã tồn tại nghịch lý là trong khi doanh nghiệp phần mềm rất "khát" nhân viên và môi trường làm việc ngành này cũng hấp dẫn, nhưng thanh niên, sinh viên ra trường lại không dám dấn thân vào làm phần mềm.
"Tôi cho rằng có tới 3 nghịch lý đang tồn tại trong phát triển nguồn nhân lực CNTT hiện nay. Đó là vấn đề thời gian, số lượng - chất lượng đào tạo và khoảng cách", ông Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc FPT Aptech, chia sẻ.
Ngành CNTT có sự thay đổi nhanh chóng theo thời gian. Cứ 18 tháng giá phần cứng lại giảm đi một nửa còn kiến thức công nghệ cũng thay đổi tới 50% trong vòng 2 năm. Sinh viên học đến năm thứ tư thì những kiến thức thu được từ năm đầu đã trở nên lạc hậu. Trong khi đó, số lượng các đơn vị giáo dục đào tạo lại tăng lên không ngừng, nhất là khu vực phi chính quy. Nếu như năm 2000, các đơn vị đào tạo CNTT tại VN chỉ có 42 đại học, 36 trường cao đẳng và 9 tổ chức phi chính quy thì đến năm 2004, con số các trường đại học là 62, cao đẳng - 74 và phi chính quy - 69.
Nghịch lý khoảng cách chính là khả năng tiếp cận nhu cầu của các sinh viên CNTT khi ra trường. "Vấn đề ở đây chính là cái cần thì không có, còn cái có thì không cần. Nghĩa là việc đào tạo đã không đáp ứng đúng được nhu cầu của thị trường. Tôi cho rằng cái gì ngành phần mềm đang cần thì nó phải được phổ biến trong chương trình đào tạo", ông Thành phân tích.
Tại nhiều cuộc hội thảo về vấn đề nguồn nhân lực cho ngành CNTT nói chung và phần mềm nói riêng, người ta cho rằng cốt lõi của vấn đề chính là chất lượng nguồn nhân lực, vì thực tế là việc đào tạo đang diễn ra khá đông đảo và sôi nổi ở khắp nơi. Song, học viên, sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn không được tuyển dụng. Các doanh nghiệp khẳng định khi đăng ký dự tuyển nhân sự, hầu hết ứng viên chưa sẵn sàng cho công việc mà họ nhắm đến. Theo khảo sát của Công viên phần mềm Quang Trung, có tới 72% ứng viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn khi xin việc; 46% thiếu kiến thức ngành; 42% không biết làm việc theo nhóm và ngoại ngữ kém; 41% kỹ năng làm việc kém, không biết cách trình bày, diễn đạt; 28% không tự tin trong công việc.
Ông Nguyễn An Nhân, Phó giám đốc Công ty Pythis, bày tỏ: "Trung bình, với mỗi nhân viên mới ra trường được tuyển dụng tại Pythis, chúng tôi phải mất tới 2 năm để đào tạo lại. Họ thậm chí còn không biết phải viết thư cho khách hàng như thế nào. Tôi cũng chắc rằng đó là điều họ không được học tại nhà trường".
Giám đốc công nghệ Công ty Tinh Vân cũng đồng tình: "Thực tế là có 77% số ứng viên được tuyển dụng cần phải đào tạo lại trên 3 tháng, 15% cần đào tạo lại từ 1 đến 3 tháng".
Trước những thách thức của việc thiếu nguồn nhân lực đủ trình độ đáp ứng tốt công việc, có vẻ như các doanh nghiệp phần mềm đang thay đổi cách tiếp cận với vấn đề nhân sự. Bằng cách này hay cách khác, nhiều đơn vị làm phần mềm năng động đang cố gắng thể hiện mình, tự tiếp thị hình ảnh công ty để thu hút nhân công. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tham gia trực tiếp vào tiến trình đào tạo nguồn nhân lực như hợp tác, trao học bổng tài trợ, đặt hàng nhân lực với các cơ sở giáo dục, đào tạo, tổ chức các sự kiện nhằm thu hút sự chú ý của xã hội và của lực lượng lao động... Nhiều doanh nghiệp bắt đầu chọn giải pháp thu nạp sinh viên thực tập với hy vọng, tỷ lệ trở lại công ty làm việc sau khi tốt nghiệp là 50%.
Ông Phạm Thúc Trương Lương chia sẻ: "Kinh nghiệm của chúng tôi là xây dựng thương hiệu công ty cũng như thương hiệu các sản phẩm của công ty. Bên cạnh đó là chính sách sử dụng nhân sự linh hoạt, đánh giá nhân sự công bằng và khuyến khích được nỗ lực cá nhân và tái đào tạo hợp lý".
Một mặt các doanh nghiệp liên tục thu nạp nhân viên mới với các tiêu chuẩn tuyển dụng đã được hạ thấp hơn. Mặt khác, chính sách quản lý người trong công ty cũng được chỉnh sửa hợp lý để giữ chân các lập trình viên hiện tại. Điều đó quan trọng tới mức các doanh nghiệp, ngoài việc sử dụng những đòn bẩy tài chính như tăng lương, đã phải kêu gọi và đề ra chuẩn mực "Đạo đức ngành phần mềm - Code of Conduct".
Ông Trần Lương Sơn, Giám đốc VietSoftware, phân tích: "Sự biến động trong nhân sự không có lợi cho các doanh nghiệp và cả ngành phần mềm vì nó kéo theo nhiều mất mát như chi phí đào tạo, bí mật công nghệ... Nhưng nguy hiểm hơn, nó sẽ khiến ngành phần mềm không thể phát triển vì những cạnh tranh thiếu lành mạnh".
Và người đứng đầu VietSoftware kêu gọi: "Các ứng cử viên ngoài việc tích lũy kiến thức có tính hướng nghiệp, rèn luyện kỹ năng làm phần mềm như ngoại ngữ, trình bày, viết lách, làm việc theo nhóm hay tận dụng các cơ hội làm việc thật sự... thì cần phải trau dồi cả đạo đức nghề nghiệp. Điều đó sẽ khiến các bạn trở thành một lập trình viên sáng giá và giúp ích cho ngành phần mềm rất nhiều".
Nguyễn Hằng