Nhà tôi ở gần ký túc xá của trường đại học, đêm nào trở mình dậy uống nước, nhìn ra cửa sổ tôi cũng thấy rất nhiều phòng của sinh viên còn sáng đèn, dù đã 2-3h sáng. Tôi hỏi một số em sinh viên vì sao thức khuya như vậy thì nhận được câu trả lời: không ngủ sớm được nên nằm lướt điện thoại.
Một đồng nghiệp của tôi có thời gian người gầy rạc, hốc hác, mắt thâm quầng vì đêm nào cũng lướt điện thoại đến gần hai giờ sáng mới chợp mắt được. Đó là lúc TikTok mới xuất hiện với nhưng clip ngắn như những vòng xoáy vô tận. "Cứ lướt hết cái này lại xuất hiện cái khác hấp dẫn hơn, lên giường nằm từ 10h rưỡi tối mà đến khi điện thoại gần hết pin mới bỏ ra để ngủ", cô này nói.
Có trường hợp khác, một người bạn tôi khi về quê chơi đã không tài nào ngủ được vì nhà của người cô không có wifi, sóng 4g ở quê yếu, không load được các video trên Facebook Watch, TikTok. "Không có tiếng rỉ rả bên tai, không tài nào ngủ được".
Bản thân tôi thời gian trước cũng dùng điện thoại khi nằm trên giường trước lúc ngủ. Lúc đó tôi phải xem điện thoại đến khi hai mắt díp lại rồi ngủ quên lúc nào không hay. Sáng ra, chưa kịp xuống giường lại quýnh quáng tìm điện thoại, mở lên xem trong lúc mình ngủ, trên mạng có gì mới không?
Những trường hợp lên giường cùng chiếc smartphone kể trên, sức khoẻ và giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi không biết là "do không ngủ được nên nằm lướt điện thoại" hay "do lướt điện thoại nên không ngủ được"?
Nhận thấy giấc ngủ bị bỏ bê, tôi đã tập thói quen để điện thoại ở bàn làm việc, cách xa giường ngủ. Từ ngày thực hiện phương pháp này, tôi ngủ sớm, dậy sớm và quan trọng là có một giấc ngủ tròn, ngủ ngon. Người cũng không còn uể oải và mệt mỏi. Cô bạn tôi thì tham gia khoá thiền, trong vòng một tuần lễ không tiếp xúc với điện thoại. Sau khi về thì cô cũng tìm lại được giấc ngủ cho bản thân.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Social Science & Medicine năm 2015 kết luận thời gian dùng smartphone trong giờ ngủ càng nhiều sẽ khiến người ở độ tuổi 40 thường xuyên mệt mỏi và buồn ngủ nhiều hơn. Với những người trẻ hơn lại càng không ý thức được tầm quan trọng của giấc ngủ.
Họ có điểm chung là nhiều sinh viên, kể cả thanh niên đã đi làm hiện nay đều có "căn bệnh thiếu ngủ": thức khuya xem điện thoại, sáng dậy uể oải, đầu óc không tỉnh táo, không thể tập trung học tập, làm việc. Những ngày trong tuần đã như vậy, những ngày cuối tuần còn bạo hơn, họ thà thức đêm xem điện thoại đến gần sáng rồi mới đi ngủ. Giờ ăn trưa cũng là lúc họ ăn sáng.
Trong khi nhiều người khổ sở vì bị bệnh mất ngủ thì lại có những người tự triệt tiêu đi giấc ngủ ngon tự nhiên của chính mình. Hãy tập thói quen đừng lên giường cùng chiếc điện thoại để bảo vệ giấc ngủ của bản thân.
Thế Linh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.