Trong xã hội của chúng ta hiện nay có rất nhiều vấn đề gây bức xúc cho dư luận như nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường, buôn lậu, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức xuống cấp...
Những vấn đề đó đang tồn tại bởi nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn luật pháp chúng ta chưa chặt chẽ, thực thi chưa nghiêm minh, quan điểm sống của một bộ phận không nhỏ trong xã hội bị lệch lạc... Nhưng chung quy nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là nhiều người đang thiếu hoặc đã tự đánh mất đi lòng tự trọng.
Chính vì không có lòng tự trọng nên có những quan chức đã bất chấp luật pháp, đạo đức để tìm mọi cách để tham nhũng. Đã có không ít quan tham đã phải ra trước vành móng ngựa để trả giá cho sự vô liêm sỉ của mình.
Vì không có lòng tự trọng nên chúng ta ít thấy sự xin lỗi hay từ chức khi làm sai. Thường thì khi có sai phạm hoặc không hoàn thành được nhiệm vụ, nhiều người tìm mọi cách đổ lỗi vòng vo tam quốc cho đủ thứ nguyên nhân khách quan, chủ quan (ngoại trừ năng lực và trách nhiệm các nhân).
Vì không có lòng tự trọng nên không ít người đã bất chấp cả lương tri để chà đạp lên những trang sử bị thương của dân tộc, sự hy sinh của biết bao nhiêu thế hệ để trục lợi cho bản thân. Đó chính là những kẻ đã lợi dụng chính sách để làm giả hồ sơ thương binh, nạn nhân chất độc da cam, người có công...để hưởng trợ cấp và đãi ngộ của nhà nước.
Vì không có lòng tự trọng nên có không ít người dù không nghèo cũng cố kiếm cái sổ hộ nghèo để giành ăn những phần ăn (vốn ít ỏi) của những người nghèo thật sự . Vì không có lòng tự trọng nên chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh những đám đông người Việt chen lấn, xô đẩy trong khi nhận hàng cứu trợ, khi mua vé xem bóng đá, vé tàu xe...Hay bon chen, giành giật khi tham gia giao thông làm cho tình trạng giao thông ở các thành phố lớn vốn đã chật chội,phức tạp càng thêm hỗn loạn.
Chúng ta cũng không khó bắt gặp tình trạng xả rác một cách bừa bãi khắp mọi nơi. Chúng ta cũng thật xấu hổ khi nghe không ít lời ta thán của các ông chủ doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) về tình trạng ăn cắp vặt của công nhân Việt trong các doanh nghiệp. Mà thực tế giá trị vật chất của những món đồ họ ăn cắp được không lớn nhưng ành hưởng đến hình ảnh người lao động Vệt Nam thì không nhỏ chút nào.
Du khách người Việt cũng không ít lần vì vô tình hay cố ý đã tự làm xấu đi hình ảnh của người Việt mình trong mắt bạn bè quốc tế. Thậm chí có một vài nơi như ở Thái Lan hay Nhật Bản trong một số trung tâm thương mai người ta còn đặt cả những tấm biển cảnh báo, nhắc nhở bằng tiếng Việt về những việc vô cùng nhạy cảm và tế nhị nhưng với những người có lòng tự trọng thì vô cùng xấu hổ.
Thật khó mà kể hết những hành vi đáng buồn đã, đang xảy ra mọi nơi, mọi lúc trong đời sống của người Việt chúng ta. Đó chính là hệ quả của việc rất nhiều người đã không giữ được lòng tự trọng Đó chắc hẳn là một rào cản rất lớn để đất nước Việt Nam trở nên hùng cường và thịnh vượng. Vì như chúng ta đều biết ở tất cả các nước phát triển có một điểm chung là người ta đều đề cao lòng tự trọng và tính trung thực trong mỗi con người. Và thực tế ở những nơi đó lòng tự trọng đã trở thành một chuẩn mực bắt buộc đối với mỗi con người, dù họ ở bất kỳ cương vị nào.
Lê Quảng Đại
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.