Trong thời điểm dịch Covid-19 ngày càng trở nên nghiêm trọng, sự gia tăng các nghiên cứu và thử nghiệm vaccine mới khiến các nhà nghiên cứu phải đối mặt với tình trạng không có chuột thí nghiệm.
Chuột được sử dụng làm thí nghiệm vì chúng dễ nuôi, sinh sản nhanh, vòng đời ngắn và đặc biệt có hệ gene giống con người tới 90%. Trong thử nghiệm vaccine chống nCoV, chuột cần được chỉnh sửa gene để có phân tử protein trên màng tế bào (thụ thể ACE2) tương tự ở giống người (hACE2). Lý do là một số con chuột có hệ gene tương đồng với người và có thể bị nhiễm loại virus trên người, nhưng một số trường hợp thường không có triệu chứng và tác động mạnh.
Trong quá trình làm biến đổi gene, các nhà khoa học tác động đến một số gene nhất định của chuột hACE2 hoặc chèn thêm những đoạn ADN ngoại lai. Sau đó, họ quan sát thay đổi hành vi và sinh lý của chuột để tìm ra chức năng và cách thức virus gây bệnh ở những đoạn gene chỉnh sửa có mục đích này. Việc tham gia chỉnh sửa gene khiến virus phát huy độc tính mạnh hơn ở chuột, giúp nghiên cứu và đánh giá hiệu quả hơn.
Staley Perlman, nhà nghiên cứu tại Đại học Lowa (Mỹ) cho biết, chuột có thụ thể ACE2 tương tự ở người đã được phát triển cho dịch SARS năm 2002, virus có họ với nCoV gây ra. Do các nghiên cứu về SARS đã giảm, nên nhiều phòng thí nghiệm đã ngừng nghiên cứu dòng chuột này. Trước khi Covid-19 bùng phát, phòng thí nghiệm Jackson đã không tăng số lượng chuột hACE2. Nhưng hiện nay cơ sở này đang nhân giống chúng từ các ống tinh trùng chuột. Tuy nhiên thời gian nhân giống mất 5-6 tháng, khó có thể đảm bảo kịp thời nguồn cung cấp chuột thí nghiệm trong những trường hợp khẩn cấp.
Trước thách thức khan hiếm chuột hACE2, Phòng thí nghiệm Y học và Sức khỏe, Viện Hàn lâm Y sinh học Quảng Châu (Trung Quốc) ngày 12/3 đã nghiên cứu và phát triển mô hình động vật chuột hACE2 nhân bản, hỗ trợ nghiên cứu cơ chế lây nhiễm nCoV, sàng lọc thuốc và đánh giá vaccine.
Nhóm ứng dụng công nghệ phát triển phôi tứ bội và tế bào gốc để thiết lập mô hình chuột này. Nhóm phụ trách phát triển mô hình sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene có tên "gene knock in", dùng trình tự ACE2 ở người thay thế ACE2 ở chuột để mô hình chuột này nhanh chóng đạt được phản ứng với nCoV. Kết quả chỉ mất 35 ngày để mô hình cho phản ứng với nCoV. Hiện hiệu quả mô hình đang được nhóm nghiên cứu đánh giá.
Tuy nhiên nhóm cho biết, mô hình này chỉ được sử dụng trong trường hợp thực sự khẩn cấp. Việc thí nghiệm, đánh giá thuốc và vaccine chống nCoV trên chuột biến đổi gene thật vẫn cần được ưu tiên hàng đầu.
Nguyễn Xuân (Theo China News, Sina)