Những vệ sĩ này có nhiệm vụ bảo vệ bác sĩ Gaurav khỏi người nhà bệnh nhân, trong đó có cả các bệnh nhân Covid-19. Người nhà thường xuyên tự ý xông vào các phòng khám trong bệnh viện, thậm chí cả phòng cấp cứu, để gặp và cho người thân ăn. Đa phần họ đều không đeo khẩu trang, vũ khí hữu hiệu nhất chống Covid-19.
"Nếu chúng tôi chặn họ lại, họ sẽ nổi giận", ông nói. "Họ muốn đưa đồ ăn nhà làm cho bệnh nhân. Một số người thậm chí còn muốn xoa bóp cho bệnh nhân. Làm vậy, họ có nguy cơ rất cao lây nhiễm nCoV từ phòng cấp cứu rồi lây cho những người khác bên ngoài xã hội".
Trong khi cùng các vệ sĩ đi kiểm tra bệnh viện, Gaurav dừng lại, yêu cầu vợ của một bệnh nhân phòng cấp cứu rời đi. Người phụ nữ làm theo, nhưng chỉ vài phút sau đã quay lại bằng một lối vào khác.
Ấn Độ đang trải qua mùa gió mùa nên độ ẩm rất cao, nhưng một số máy điều hòa trong bệnh viện không hoạt động. Nhiều người chăm bệnh nhân phải dùng quạt tay để làm mát cho người thân trong những phòng bệnh bẩn thỉu chất đầy rác thải và thiết bị bảo hộ bỏ đi.
9 năm trước, bác sĩ tâm thần 42 tuổi Gaurav đưa gia đình về quê để có một cuộc sống yên bình hơn và được trả lương cao hơn, sau ba năm ở thủ đô New Delhi. Ông nhận làm bác sĩ tư vấn tâm thần tại bệnh viện 900 giường thuộc Đại học Y khoa Jawahar Lal Nehru ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ. Cuộc sống không quá sôi động nhưng ý nghĩa. Ông dành thời gian dạy học và khám cho các bệnh nhân tâm thần.
Giờ đây, khi mà nhiều bác sĩ đã nhiễm nCoV và số khác lại từ chối làm việc, Gaurav được chỉ định trở thành lãnh đạo bệnh viện, dù trên thực tế, ông chỉ là một bác sĩ tư vấn cấp thấp mà còn mắc bệnh tiểu đường và tăng huyết áp, hai yếu tốcó thể khiến người nhiễm Covid-19 trở nên trầm trọng hơn.
Dù vậy, Gaurav nói ông cảm thấy phải có trách nhiệm tình nguyện đảm nhận công việc này. "Rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã từ chối nên tôi phải đảm trách thôi", ông chia sẻ.
Hồi tháng 4, khi Covid-19 tấn công bang Bihar với 100 triệu dân, bệnh viện của Gaurav được chọn là một trong 4 cơ sở chuyên điều trị Covid-19.
Nhưng thực tế, theo lời Gaurav, bệnh viện gần nhất có cơ sở vật chất phù hợp để điều trị cho các bệnh nhân nặng cách chỗ ông tận 200 km. Với cơ sở vật chất gọi là tạm ổn tại một vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, bệnh viện của Gaurav dường như là nơi duy nhất bệnh nhân Covid-19 có thể tìm đến.
Hồi tháng 6, chính quyền địa phương lại yêu cầu bệnh viện của ông điều trị cho cả những bệnh nhân không nhiễm nCoV.
"Lý tưởng nhất thì đáng lẽ không nên có bất kỳ bệnh nhân không nhiễm nCoV nào xuất hiện tại bệnh viện này", ông nói và thêm rằng hệ thống y tế tại làng Bhagalpur, nơi có bệnh viện mà Gaurav công tác, như nhiều nơi khác ở Bihar, đang đứng trên bờ vực sụp đổ.
Các nhân viên, bệnh nhân và người nhà cho biết bệnh viện thiếu thốn tất cả mọi thứ, từ nhân lực đến những nguồn vật tư y tế thiết yếu khác. Tất cả 37 giường tại khoa cấp cứu đều đã kín chỗ. Trên sàn đất, một người nhà bệnh nhân trải chiếu ngồi gật gù.
Gaurav cho biết ông cảm thấy bất lực vì không thể đảm bảo việc cách ly bệnh nhân Covid-19. "Chúng tôi không biết ai âm tính, ai dương tính. Chúng tôi không biết tình trạng của họ ra sao, nhưng chúng tôi không thể chờ tới khi họ được xét nghiệm. Đơn giản là vì họ cần được điều trị".
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với gần 2,5 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 48.000 người chết. Mỗi ngày, nước này ghi nhận khoảng 50.000 ca nhiễm mới. Bihar là bang đông dân thứ ba của Ấn Độ. Nếu được coi là một quốc gia, Bihar sẽ là nước đông dân thứ 14 thế giới.
Bihar có lịch sử trù phú nhưng ngay này, đây lại nổi tiếng là một trong những bang gặp nhiều vấn đề nhất của Ấn Độ.
Mức độ phát triển của Bihar tương tự với các khu vực ở châu Phi cận Sahara hơn là những bang thịnh vượng ở phía nam Ấn Độ. Một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi tại Bihar bị suy dinh dưỡng thấp còi và có 2/5 số trẻ em nhẹ cân so với độ tuổi.
Bihar cũng là bang có tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất Ấn Độ và là một trong những bang có hệ thống giáo dục tồi tệ nhất.
Hệ thống y tế vốn đã quá tải từ trước khi dịch bệnh ập tới. Tiến sĩ Sunil Kumar, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ bang Bihar, cho biết bang đang thiếu bác sĩ trầm trọng. Lý do là đa phần các bác sĩ đều không muốn trở về làm việc ở những vùng nông thôn.
Bihar hiện báo cáo hơn 87.000 ca nhiễm nCoV và hơn 460 ca tử vong, mức tương đối thấp so với các bang khác. Nhưng tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 tại bang còn rất thấp nên con số người nhiễm thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần.
Các vấn đề y tế đặc biệt nghiêm trọng tại vùng nông thôn của Bihar, nơi cơ sở hạ tầng của chính phủ còn rất thiếu thốn. Tại Ismailpur, ngôi làng cách Bhagalpur khoảng một giờ lái xe, lũ lụt đã cắt đứt con đường chính dẫn tới đường cao tốc. Nước lũ đã tràn đến ngưỡng cửa trạm y tế đổ nát tại đây, nơi phục vụ hơn 52.000 người.
"Đây là nơi vô cùng lạc hậu", Rakesh Ranjan, một trong hai bác sĩ tại trạm y tế làng Ismailpur, nói. "Người dân thậm chí còn sợ việc xét nghiệm. Chúng tôi thỉnh thoảng còn phải nhờ cảnh sát ép họ xét nghiệm".
Bệnh viện của bác sĩ Gaurav quay lưng vào sông Hằng, nơi linh thiêng nhất tại Ấn Độ. Bên cạnh những con trâu đang tắm bên bờ sông, những tài xế xe cứu thương cặm cụi múc nước sông rửa xe.
Trên con đường dẫn vào bệnh viện có một ổ gà rất lớn, các phương tiện đưa bệnh nhân đến viện thường bị mắc kẹt tại đây. Bên ngoài cửa chính, người nhà ngồi bên thi thể bệnh nhân chờ xe cứu thương đến chở đi mai táng.
Các nhân viên đẩy xe cáng chở bệnh nhân tới khu cấp cứu không biết tiền sử bệnh của người mới đến, hầu hết họ đều chưa được xét nghiệm nCoV. Thường chỉ đeo găng tay, họ đẩy bệnh nhân vào, đo mức oxy rồi để nguyên bệnh nhân trên cáng tại hành lang. Một số người được điều trị ngay tại chỗ trước khi có giường.
Trên hàng lang, một phụ nữ mệt mỏi ngả đầu lên tường bệnh viện chợp mắt. Chồng bà đang nằm trên cáng và được lấy mẫu máu. Bên trong một phòng cấp cứu, một phụ nữ kéo chồng mình lên giường trong khi người thân cầm chai truyền đứng cạnh, mặt lo lắng.
Gaurav cố làm bật sự hiện diện của mình bằng cách đi quanh bệnh viện, động viên bệnh nhân cùng các nhân viên. Nhưng đây chỉ là một biện pháp trấn an tinh thần. Bệnh nhân cần được thăm khám bởi các bác sĩ có chuyên môn, điều không phải lúc nào cũng khả thi.
"Nếu tôi đứng trước một bệnh nhân Covid-19 trong hai phút, rồi lại gặp 20 bệnh nhân khác. Như vậy, tôi đã tiếp xúc tổng cộng 40 phút", ông nói. Với số lượng bác sĩ ít ỏi, việc tiếp xúc như vậy là một mối rủi ro mà Gaurav không thể liều lĩnh đối mặt.
Ông thường xuyên nhận được lời phàn nàn từ các bác sĩ chuyên khoa. Trong một cuộc họp về tình trạng thiếu thuốc, Gaurav hứa với họ rằng ông sẽ thuyết phục chính quyền cung cấp thêm nguồn lực. Ông sau đó thừa nhận việc này quá khó.
Gaurav rơm rớm nước mắt khi nhớ lại thời khắc ông cảm thấy bất lực nhất kể từ thời điểm tiếp quản bệnh viện. Một người bạn của cha ông nhờ Gaurav giúp đỡ vì người này cần truyền máu định kỳ.
"Tôi phải nói không bởi chúng tôi không còn đủ máu trong ngân hàng. Chúng tôi chỉ còn lượng tối thiểu dùng cho trường hợp khẩn cấp", Gaurav chia sẻ. Ông thấy lời từ chối như vậy thật đau đớn. "Tôi không biết phải nói 'không' với bệnh nhân như thế nào".
Nỗi sợ hãi Covid-19 và sự giận dữ trước tình trạng thiếu thốn vật tư y tế cũng ám ảnh bệnh nhân và người nhà họ.
Vào một ngày Chủ nhật hồi tháng 7, Parsada Sah, 67 tuổi, có kết quả dương tính nCoV. Ông sống tại một ngôi làng cách Bhagalpur 50 km. Sah, cùng với vợ mình, Vimla Devi, và con trai Manoj, đến bệnh viện trên xe cứu thương chiều hôm đó.
Manoj đưa kết quả xét nghiệm của cha mình cho bác sĩ trực. Anh được báo rằng không còn giường trong khu Covid-19. Bác sĩ trực yêu cầu anh tự tìm lấy một chiếc giường trong khu cấp cứu đã chật cứng.
"Họ bảo chúng tôi rằng đây là nơi duy nhất dành cho chúng tôi vào lúc này, không còn chỗ nào khác", Manoj nói. "Chúng tôi van xin họ nhưng họ bảo rằng tất cả mọi người đều muốn có giường".
Dù biết Sah nhiễm nCoV, gia đình vẫn vào chăm sóc ông. "Nhân viên chỉ đặt thức ăn lên giường. Họ không đút cho ai ăn cả", Manoj kể. "Nếu bệnh nhân nào không thể tự ăn, họ phải nhờ ai đó giúp đỡ".
Gaurav chia sẻ tâm tư với gia đình Sah. "Chúng tôi không có nhân viên riêng đưa bệnh nhân đến phòng vệ sinh hay cho họ ăn", ông nói. "Vấn đề là chúng tôi bị thiếu nhân lực, từ dưới lên trên".
Cuối cùng, sau gần một ngày, Sah cũng tìm được giường tại khu cách ly. Một nhân viên y tế tên Sameer, 22 tuổi, đến giúp Sah di chuyển. Anh mặc vội bộ quần áo bảo hộ nhưng thay vì đeo kính bảo vệ, Sameer đeo một cặp kính râm rẻ tiền.
"Chúng tôi chỉ nhận được đồ bảo hộ khi di chuyển bệnh nhân dương tính từ khoa xử lý chung sang khoa Covid-19", Sameer cho hay. "Chúng tôi là những người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân khi họ bước vào cổng bệnh viện, nhưng lúc đó, chúng tôi chẳng có đồ bảo hộ nào".
Sau khi lấy một bình dưỡng khí trong phòng để chuyển đi cùng bệnh nhân, Sameer và đồng nghiệp của anh phát hiện ra nó bị lỗi. Họ lấy một bình mới nhưng chiếc xe đẩy rỉ sét họ đặt bình lên chuyển động rất khó khăn. Chiếc xe rít lên cót két khi hai người kéo nó qua hành lang bệnh viện.
Chiếc ống gắn với mặt nạ dưỡng khí của Sah căng ra trong lúc Sammer cố gắng đẩy xe theo kịp chiếc cáng. Cuối cùng, bánh xe đẩy ngừng quay hẳn. Sameer đành vác bình dưỡng khí lên vai rồi cứ thế rảo chân bước.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)