Theo nghiên cứu công bố hôm 22/5, các nhà khoa học tìm thấy nhiều mảnh thiên thạch rơi xuống sa mạc Atacama, Chile, cách đây 1-2 triệu năm. Sa mạc này cũng là nơi có mật độ thiên thạch dày nhất hành tinh.
Thiên thạch lao xuống Trái Đất rất thường xuyên. Những mảnh vỡ của chúng nằm rải rác khắp nơi, từ lăng mộ của pharaoh Tutankhamun, Ai Cập, đến nông trại ở Michigan, Mỹ. Tuy nhiên, để tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc và thời gian những viên đá vũ trụ này rơi xuống Trái Đất, các nhà khoa học đã ghé thăm sa mạc Atacama.
Sa mạc Atacama rộng khoảng 130.000 km2 và hơn 15 triệu năm tuổi. Những thiên thạch lao xuống đây cũng có khả năng đã rất lâu đời. Điều này tạo nên lợi thế về mặt địa chất so với các sa mạc khác và châu Nam Cực. Các khu vực này chứa rất nhiều thiên thạch nhưng còn quá trẻ, chỉ lưu giữ được những mảnh thiên thạch nửa triệu năm tuổi hoặc ít hơn, theo chuyên gia Alexis Drouard tại Đại học Aix-Marseille, tác giả chính của cuộc nghiên cứu.
Drouard cùng đồng nghiệp tới sa mạc Atacama săn thiên thạch với hy vọng tìm được những mảnh đã "ghé thăm" và ở lại Trái Đất vài triệu năm trước. "Mục đích của chúng tôi là xem xét sự thay đổi của những thiên thạch đâm xuống Trái Đất qua thời gian dài", Drouard chia sẻ. Nói cách khác, thiên thạch ở Atacama có thể cho biết tần suất thiên thạch lao xuống Trái Đất tăng lên hay giảm đi.
Nhóm chuyên gia thu thập gần 400 mảnh thiên thạch, trong đó nghiên cứu kỹ, phân tích tuổi và thành phần hóa học của 54 mảnh. Khoảng 30% số thiên thạch trên một triệu năm tuổi, có hai viên thậm chí hơn hai triệu năm. Theo Drouard, đây là tập hợp thiên thạch cổ xưa nhất trên bề mặt Trái Đất.
Từ các mẫu phân tích, nhóm nghiên cứu suy luận rằng hoạt động thiên thạch không thay đổi đáng kể trong hai triệu năm qua, khoảng 222 vụ va chạm trên một km2 sa mạc mỗi một triệu năm. Thành phần cấu tạo của thiên thạch thay đổi lớn hơn.
Thiên thạch rơi xuống Atacama cách đây 0,5-1 triệu năm giàu sắt hơn nhiều so với những mảnh rơi xuống trước hoặc sau đó. Có thể chúng bắt nguồn từ cùng một nhóm thiên thạch văng ra từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Thu Thảo (Theo Space)