Khoảng 29 triệu năm trước, cát ở phía tây sa mạc Ai Cập tan chảy, tạo ra những viên thủy tinh màu vàng hoàng yến nhỏ xíu. Một số được dùng để trang trí vòng cổ đeo trước ngực vua Tutankhamun. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia và Áo công bố hôm 2/5 trên tạp chí Địa chất học xác nhận loại thủy tinh giống đá mã não có nguồn gốc từ vụ va chạm giữa thiên thạch và bề mặt Trái Đất.
Nhiệt độ phát sinh từ vụ va chạm thiên thạch hoặc vụ nổ trên không đều đủ làm chảy cát trên sa mạc, tạo ra các hạt thủy tinh. Sóng xung kích từ vụ nổ trên có áp suất hàng nghìn pascal, nhưng chỉ những vụ va chạm thiên thạch trên mặt đất với sóng xung kích có áp suất hàng tỷ pascal mới đủ mạnh để tạo ra khoáng chất reidite.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học phân tích khoáng chất zircon tìm thấy trong loại thủy tinh đặc biệt ở Ai Cập. Cấu tạo của nó cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của reidite. Nói cách khác, reidite bị biến đổi thành zircon dưới tác động của sóng xung kích áp suất cao trong vụ va chạm thiên thạch.
"Những vụ va chạm với thiên thạch là sự kiện có sức tàn phá lớn nhưng không phổ biến. Vụ nổ trên không xảy ra thường xuyên hơn, nhưng chúng ta có thể chắc chắn sự kiện giống như vụ va chạm tạo ra đá thủy tinh ở Ai Cập sẽ không xảy ra trong tương lai gần", đồng tác giả nghiên cứu Aaron Cavosie, nghiên cứu sinh ở Đại học Curtin, Australia, cho biết.
An Khang (Theo Live Science)