Theo DappRadar, khối lượng NFT giao dịch trên OpenSea ngày 28/8 còn khoảng gần 5 triệu USD, thấp hơn tới 99% so với mức kỷ lục 405,75 triệu USD vào ngày 1/5. Bên cạnh đó, số lượng người tham gia giao dịch trên nền tảng cũng giảm mạnh, cho thấy giá trị và sự quan tâm đến các bộ sưu tập NFT đã lao dốc ở mức không tưởng trong những tháng gần đây.
Khối lượng và người giao dịch giảm đã tác động đến giá sàn NFT - số tiền tối thiểu mà nhà đầu tư sẵn sàng trả cho một sản phẩm. Chẳng hạn, giá sàn của NFT nổi tiếng Bored Ape Yacht Club đã giảm 53%, từ 153,7 Ethereum vào ngày 1/5 xuống còn 72,5 Ethereum vào 28/8. Tương tự, giá sàn của CryptoPunks cũng giảm gần 20% so với mức cao nhất trong tháng 7 là 83,72 Ethereum.
Bong bóng NFT sắp vỡ
NFT hiện chủ yếu chạy trên nền tảng blockchain Ethereum và sử dụng tiền số này cho các giao dịch. Điều này đồng nghĩa giá NFT sẽ giảm nếu thị trường Ethereum giảm mạnh.
Theo giới chuyên gia, việc Ethereum biến động giá là một trong những lý do đằng sau sự tụt dốc của NFT. Tháng 11 năm ngoái, giá tiền số này đạt đỉnh 4.950 USD. Nhưng đến năm nay, token này có lúc về dưới 1.000 USD và hiện ở mức 1.400 USD. Giá Ethereum giảm khiến thị trường không còn hưng phấn như trước, từ đó việc giao dịch bị chững lại.
Tương tự thị trường tiền số, NFT cũng rất "nhạy cảm", dễ bị tác động bởi bất cứ một công ty nào trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, vào tuần trước, BendDAO đã bắt đầu biểu quyết cho vấn đề thay đổi mã giao thức của mình nhằm tăng tính thanh khoản. BendDAO là nền tảng phi tập trung cho phép chủ sở hữu NFT có thể thế chấp bộ sưu tập của mình để vay tiền (bằng Ethereum) với trị giá tương đương 30-40% giá sàn của NFT đó.
Việc biểu quyết diễn ra trong bối cảnh Ethereum tăng giá từ dưới 1.000 USD lên hơn 1.400 USD, kéo theo các khoản vay Ethereum (tính bằng giá trị đồng USD) tăng theo. Ngược lại, giá NFT liên tục giảm khiến giá trị của tài sản thế chấp mà BendDAO đang nắm giữ bị kéo xuống.
Kết quả, BendDAO đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng nợ của chính mình. Lúc này, người đi vay không thể trả các khoản vay bằng USD do giá Ethereum tăng, trong khi bên cho vay gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ do định giá tài sản thế chấp giảm. Với biến động này, giá sàn của các bộ sưu tập NFT có nguy cơ giảm sâu hơn nữa, nếu thanh khoản của thị trường tiếp tục giảm mạnh.
NFT có thể là trào lưu nhất thời
NFT (non-fungible token) là chứng nhận tài sản số dựa trên blockchain, được đánh giá minh bạch về tính chính danh và quyền sở hữu. Trong năm 2021, NFT trở thành hiện tượng trong giới công nghệ với các tác phẩm được bán từ vài trăm nghìn USD tới hàng chục triệu USD. Nhiều người nổi tiếng như Paris Hilton, Gwyneth Paltrow hay Serena Williams cũng sở hữu NFT.
Theo thống kê của NonFungible, tổng giá trị NFT giao dịch năm ngoái đạt 17,6 tỷ USD, tăng 21.350% so với mức 82,5 triệu USD của năm 2020. Tuy nhiên, lĩnh vực NFT đang có dấu hiệu hạ nhiệt, khi số lượng NFT giao dịch trong quý đầu năm giảm gần 50% so với quý trước. Còn theo báo cáo từ công ty theo dõi thị trường tiền số CryptoSlam vào tháng 5, chỉ có 31 triệu USD được giao dịch trong 15 ngày đầu của tháng này, thấp nhất trong năm. Những tháng trước, tổng khối lượng giao dịch luôn ở mức hàng trăm triệu USD.
Trên thị trường, nhiều NFT triệu USD không còn "hot". Ví dụ, tweet đầu tiên của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey từng được mua giá 2,9 triệu USD, nhưng hiện chỉ trả giá không quá 20.000 USD. Một số NFT triệu USD trong bộ sưu tập CryptoPunk cũng giảm giá hàng chục lần.
Theo một số chuyên gia, hầu hết NFT hiện đều không rõ ràng về bản quyền. Vào tháng 1, OpenSea thừa nhận có tới 80% số NFT trên nền tảng này là bản sao không phép của các NFT khác hoặc các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng ngoài đời thực. LookRare, sàn giao dịch NFT vượt qua OpenSea về số lượng bán ra NFT năm nay, cũng gặp vấn đề tương tự. Theo CryptoSlam, tới 95% tác phẩm trên nền tảng này bị phát hiện là giả mạo.
Bảo Lâm