Thị trường mỹ thuật được hiểu là nơi buôn bán, giao dịch các tác phẩm mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng. Không chỉ là một lĩnh vực tài chính, thị trường mỹ thuật còn bao gồm hoạt động giao lưu, trao đổi giữa giá trị nghệ thuật, giá trị tài năng, sáng tạo.
Để cấu thành một thị trường mỹ thuật cần nhiều yếu tố, như tự thân các tác phẩm phải có giá trị; đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo tài năng; các nhà sưu tầm, người mua, hệ thống gallery, bảo tàng, nhà triển lãm chuyên nghiệp; hệ thống giáo dục mỹ thuật tốt, không chỉ đào tạo người sáng tác mà cả người thưởng thức... Theo nhà báo Đào Mai Trang của Tạp chí Mỹ Thuật - chuyên nghiên cứu mỹ thuật đương đại Việt Nam - nước ta có đầy đủ điều kiện nền tảng để cấu thành thị trường nội địa. Tuy nhiên, cái thiếu là chưa thể gắn kết các điều kiện ấy thành một nền tảng vững chắc và thuận lợi.
Những năm 1990 đến giữa những năm 2000 là giai đoạn tranh Việt Nam được mua nhiều. Tuy nhiên, thời gian sôi động ấy vẫn chưa tạo nên một thị trường mỹ thuật nội địa thực sự, bởi có ít người Việt mua tranh Việt. Theo anh Trung Thành - Giám đốc Gallery Ngàn Phố (một gallery hoạt động 10 năm tại Hà Nội), lượng người Việt tới gallery mua tranh rất ít. Khách nước ngoài vãng lai mua tranh hầu hết vì lý do ngoài nghệ thuật, ví dụ như họ có cha ông từng tham chiến ở Việt Nam nên mua tranh Việt như một món đồ kỷ niệm.
Bà Suzanne Lecht - Giám đốc Art Vietnam Gallery (một phòng tranh về nghệ thuật đương đại Việt Nam, hoạt động 12 năm nay) - chia sẻ, suốt hơn 10 năm mở Art Vietnam, bà chỉ thấy có ba hay bốn người Việt mua tranh. Bà cho rằng, Việt Nam có những yếu tố để hình thành một thị trường nhưng dường như chúng đều yếu ớt. Suzanne Lecht phân tích, Việt Nam có một số gallery, nhưng số lượng phòng tranh thực sự chứ không phải cửa hàng buôn bán tranh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việt Nam cũng có người sưu tầm nhưng ít ỏi. Số người Việt mua tranh càng ngày càng nhiều hơn, nhưng vẫn chưa đủ tạo nên thị trường nội địa.
Cuốn sách Thị trường nghệ thuật 2012 (do Artprice phát hành) đưa ra thông tin trong khoảng ba năm (2010 - 2012), Trung Quốc dẫn đầu thị trường tranh toàn cầu, chiếm 41% doanh thu toàn thế giới. Sở dĩ giá tranh của họa sĩ người Hoa đạt mức ngoạn mục bởi giới nhà giàu Trung Quốc bỏ số tiền lớn mua tranh, với mục đích không để tác phẩm giá trị của họ rơi vào nước khác sở hữu. Tại một buổi trò chuyện nghệ thuật, họa sĩ Lê Thiết nói: "Ở các phiên đấu giá của nhà Larasati (một nhà đấu giá nghệ thuật nổi tiếng ở Singapore), tranh của các nước Thái Lan, Indonesia, Singapore bán được với giá cao đều do người giàu của nước họ mua".
Nhận thức về mỹ thuật của công chúng trong nước đóng vai trò quan trọng đối với thị trường nội địa. Họa sĩ Lê Thiết Cương nói: "Nhiều người lúc nào cũng kêu gào tranh bán đắt quá. Nhưng họ có nhà, có đất, đổi bao nhiêu cái xe, thì chả bao giờ kêu những thứ ấy đắt cả. Khi nào họ coi tranh là đất, là vàng, là USD, cứ 100 người mua tranh có 5 người coi tranh là hàng hóa đầu tư, thì đó là dấu hiệu tốt cho thị trường mỹ thuật". Theo họa sĩ, không thể "đùng một cái" là có một thị trường sôi động, mà mỗi người hoạt động trong lĩnh vực đều phải cố gắng một chút.
Tự thân các nghệ sĩ, những gallery thời gian qua đã có hành động tích cực để hướng tới đối tượng khách hàng người Việt. Chính Lê Thiết Cương chọn cách giới thiệu nghệ thuật tới số đông công chúng Việt. Cách đây vài năm, khi làm giám tuyển cho một chương trình nghệ thuật, anh tham gia với hai điều kiện: "Nghệ thuật phải làm cho người Việt Nam, và triển lãm không được đưa vào không gian nghệ thuật hàn lâm". Vì muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, anh đã tổ chức các triển lãm ở các không gian công cộng như Tràng Tiền Plaza, khu Royal City, một showroom xe hơi, và sắp tới, anh còn tổ chức ở bến xe Mỹ Đình.
"Tôi có khoảng 50 cuộc triển lãm trong và ngoài nước, 49 cuộc tôi làm có yếu tố hướng tới đối tượng người nước ngoài. Nhưng cuộc gần đây, tôi làm triển lãm mà không in một chữ tiếng Anh nào trên các phương tiện quảng bá, từ giấy mời, bao bì, standy, sách triển lãm... Tôi làm vậy không phải là hy vọng có người Việt mua, mà để thể hiện sự tôn trọng với người Việt trước đã. Rồi hy vọng vài năm nữa, 10 năm, 20 năm nữa họ giàu có hơn, yêu thích và hiểu mỹ thuật hơn", Lê Thiết Cương nói.
Gần đây, cũng với mong muốn đưa tác phẩm gần hơn với công chúng, một số nghệ sĩ đã đứng ra tổ chức các hội chợ nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương phối hợp với CuCi Fine Art thực hiện Hội chợ Nghệ thuật Hà Nội lần thứ nhất. Chương trình diễn ra từ 5 tới 28/12/2014 tại Hàng Da Galleria, với sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ, tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu tranh, điêu khắc... Tháng 2/2015, hội chợ nghệ thuật Tết Art tiếp tục được tổ chức tại đây với quy mô lớn hơn. Tổng kết Tết Art đã thu về gần một tỷ đồng tiền bán tranh. Sự kiện thu hút nhiều người Việt tới Chợ Hàng Da xem tranh, và 99% khách mua tranh là người Việt.
Nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến - người sáng lập Tết Art - chia sẻ: "Làm Tết Art đâu phải chỉ cho công chúng tiếp cận, mà mình đang làm cho chính bản thân họa sĩ. Bởi nếu bán tranh cho người Việt, tác phẩm của mình sẽ ở lại đất nước. Chính người mua sẽ trở thành bạn bè của mình, họ có thể giới thiệu với những bạn bè người Việt khác. Và như vậy, trong tương lai, họ là người góp phần giúp đỡ mình trong việc tạo thị trường mỹ thuật".
Lam Thu