Tại nhiều nước trên thế giới, nghệ thuật có một lượng công chúng đông đảo với các bảo tàng nhiều người tham quan, những chương trình nghệ thuật mất tiền vẫn chật kín ghế, những phố hội họa như Place du Tertre trên đồi Montmartre, phố Arbat tại Moscow, công viên Ueno tại Tokyo... Ở Việt Nam, nghệ thuật vẫn chưa có nhiều công chúng. Trong nỗ lực tiếp cận khán giả, Tết Art được thực hiện.
Tết Art do Real Art và Hàng Da Galleria phối hợp tổ chức từ 5 tới 16/2 tại Hà Nội. Mục đích chương trình nhằm kết nối nghệ sĩ với khán giả, giúp người yêu nghệ thuật trong nước hiểu và sở hữu các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam với mức giá hợp lý. Các tác phẩm tham gia Tết Art 2015 đều được giám tuyển cẩn thận, song hầu hết đều có mức giá dưới 20 triệu đồng. Đó là nỗ lực của ban tổ chức và các nghệ sĩ để mang nghệ thuật đến mọi nhà.
Ngay việc dùng từ "chợ" trong tên chương trình cũng là một gợi ý hay của ban tổ chức. Theo họa sĩ Trịnh Minh Tiến - đồng sáng lập chương trình Tết Art - "chợ" là không gian thân thuộc của người Việt, nơi tập trung các sản phẩm, và trao đổi buôn bán, gặp gỡ của người dân. Việc mang tranh ra "chợ", thay vì các phòng triển lãm sang trọng, đã phá vỡ rào cản giữa nghệ thuật và công chúng, đưa tác phẩm và nghệ sĩ tiếp cận trực tiếp tới người dân, mang đến cho công chúng mọi lứa tuổi cơ hội tiếp xúc nghệ thuật và giáo dục thẩm mỹ trực tiếp.
Điều thú vị tại Tết Art là việc không đề tên tranh, tác giả cũng như giá tranh bên cạnh tác phẩm. Đây là cách làm của nhiều triển lãm trên thế giới, nhằm đảm bảo người xem được hoàn toàn tự do thưởng thức nghệ thuật không giới hạn và các tác phẩm hoàn toàn công bằng trước công chúng. Cách làm này có thể mới đầu gây bỡ ngỡ cho người xem, nhưng công chúng sẽ cảm nhận hiệu quả của cách sắp xếp tranh và hưởng ứng cách làm. Các họa sĩ cũng luôn túc trực để giải đáp thắc mắc dành cho tác phẩm.
Doanh thu của chợ tranh đương đại Tết Art 2015 đạt khoảng một tỷ đồng, với 99% khách hàng là người Việt. Đặc biệt, ba bức tranh sơn mài khổ lớn của họa sĩ Trịnh Tuân được ban tổ chức triển lãm với mục đích giới thiệu tới người xem, đã được ba khách hàng Việt Nam quyết tâm mua với mức giá lên tới cả chục nghìn USD mỗi bức. Ngoài ra, các tác phẩm của họa sĩ gạo cội trong nền mỹ thuật Việt Trần Huy Oánh đã được một số người quan tâm và ngỏ lời mua với mức giá cao.
Tranh tại Tết Art đã vượt qua giá trị truyền thống như một món đồ trang trí mà nâng tầm với giá trị đầu tư và trao đổi. Điều đó thể hiện ở việc tại chợ tranh bắt đầu có nhà sưu tập đem tác phẩm đến bán. Mặc dù chiếm phần lớn tranh được mua là để treo, sưu tầm, và làm quà tặng Tết, số ít mua đầu tư, con số trên với một chợ như Tết Art cũng là tia hy vọng cho một thị trường mỹ thuật.
Ngoài mô hình Tết Art, đã và đang có nhiều hình thức đưa nghệ thuật đến với công chúng, và được hưởng ứng như chương trình triển lãm của Luala Concert, các quán cà phê nghệ thuật như Manzi, lAcA, không gian nghệ thuật Zone 9 cũ... Việc đưa nghệ thuật ra ngoài, thoát khỏi những không gian chính thống để tiếp cận trực tiếp tới cộng đồng cũng là hình thức giáo dục thẩm mỹ, tạo nền tảng cho lớp người yêu nghệ thuật tương lai.
Thu Hằng