Một tác phẩm của hoạ sĩ Quang Minh tại Gallery Cỏ xanh. |
- Các ông có nhận xét gì về toàn cảnh gallery ở nước ta?
- Phan Cẩm Thượng: Vài trăm gallery trong nước cùng bán một thứ hàng kém phẩm chất, loanh quanh với mươi tác giả thời thượng, trình bày một thứ hội họa loè loẹt về màu sắc, phô trương về kỹ thuật, và nông cạn về ý tưởng. Gallery hiện nay không phát hiện hoạ sĩ, hoạt động chỉ với mục đích duy nhất là kiếm tiền. Hầu hết phòng tranh đều không đạt tiêu chuẩn về kinh doanh nghệ thuật, yếu về nhạy cảm thẩm mỹ, kém về quyền lực kinh tế, không đủ tư cách trao đổi với các gallery ở nước ngoài. Có thể nói đây là thời kỳ suy thoái của gallery Việt Nam.
- Trần Lương: Hoạt động gallery ở Việt Nam chưa chuyên nghiệp. Nhiều ông chủ đứng ra điều hành phòng tranh mà không có một chút kiến thức nào về hội họa. Gallery chạy theo lợi nhuận, hầu như không giới thiệu được hoạ sĩ, hay ủng hộ nghệ thuật. Người ta cũng không cần biết đến style của nghệ thuật, treo đủ các loại từ sơn dầu đến lụa, từ tả thực đến trừu tượng…, không một gallery chuyên nghiệp nào làm như vậy cả.
- Dương Tường: Gallery ở ta thiên về hàng “souvernir”. Một số phòng tranh có được thành công “sổi” không phải nhờ thẩm mỹ tốt mà do nghe ngóng thị hiếu, rồi bám theo các hoạ sĩ “ăn khách”.
- Người ta nói nhiều đến nạn tranh giả ở Việt Nam. Sự thực thì sao?
- Phan Cẩm Thượng: Rất nhiều. Gallery bán tranh giả của hoạ sĩ đang sống, các nhà sưu tập bán tranh giả của hoạ sĩ đã chết. Họ nghĩ rằng người mua không biết gì, cũng không ý thức được việc làm tranh giả khiến mất uy tín của tranh thật. Bản quyền tác giả bị vi phạm nghiêm trọng mà người vi phạm đầu tiên chính là các hoạ sĩ. Đã đến thời điểm phải có luật kinh doanh trong hoạt động mỹ thuật.
- Đối tác chủ yếu của thị trường tranh Việt Nam là người nước ngoài. Ông nghĩ sao khi thị trường Mỹ thuật VN không có công chúng trong nước?
- Trần Lương: Người Việt Nam không mua tranh không hẳn là vì họ không có tiền, không đến xem triển lãm mỹ thuật không phải vì không có thời gian, vấn đề là việc giáo dục thẩm mỹ ở ta còn nhiều bất cập. Cần phải đưa công chúng tới nghệ thuật, tạo ra môi trường hoạt động mỹ thuật để nâng cao nhận thức trong dân trí, mà theo tôi, Trung tâm mỹ thuật đương đại (Art-centre) là hình thức rất hiệu quả, nó là cầu nối công chúng và nghệ thuật. Mở những lớp học cơ bản về nghệ thuật, mời nghệ sĩ đến nói chuyện, giao lưu với công chúng… là cách để công chúng tiếp cận với nghệ thuât.
Đan Phượng