Hoa sen được nhiều người yêu thích nhưng vẫn có người không. Một lẽ bình thường đối với những người yêu hoa thì ai cũng có một loài hoa mình thích nhất. Đó có thể là mai, lan, cúc, hồng, mẫu đơn, thược dược...bởi đơn giản điều đó gắn liền với thẩm mỹ, cá tính và tâm lý của mỗi người. Khi ta yêu loài hoa nào thì đó là đẹp nhất, là hoa hậu - "nữ vương" của các loài hoa.
Nhiều năm trước đây khi xã hội chỉ mới bắt đầu phát triển dần dần chưa đạt hiện đại thì cái ăn, cái mặc còn là điều gì đó quan trọng lắm đối với đại đa số người dân Việt Nam.
Cái thuở của hai thập kỷ hơn về trước ai đâu chú ý tới mấy thú giải trí khi còn nhiều thứ phải lo hơn. Khi ấy những cuộc thi tuyển nhan sắc như hoa hậu Việt Nam được xem là hiếm hoi, chính quy và cơ bản nhất để chọn ra người phụ nữ được xem là đẹp nhất của đất nước hình chữ S này.
Và tất nhiên đóa hoa tuyệt sắc vừa vượt qua hàng ngàn bông hoa khác sẽ được xem là hoa hậu. Lâu dần theo thời gian danh xưng hoa hậu ấy được xem như danh hiệu cao quý khẳng định về nhan sắc, tầm ảnh hưởng của người được chọn. Hoa hậu Việt Nam ngoài việc được tôn vinh săn đón còn phải thể hiện vai trò trách nhiệm đối với cộng đồng, lan tỏa những điều tốt đẹp đến với xã hội cũng như đại diện Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế, qua đó giới thiệu Việt Nam với bạn bè thế giới. Nhưng đó là chuyện của quá khứ.
>> Hoa hậu làm được gì mà tổ chức thi nhiều thế?
Theo thời gian xã hội ngày càng hiện đại hơn, đời sống được nâng cao thì việc cơm áo gạo tiền đã không còn tối quan trọng nữa. Người ta thường nói phú quý sinh lễ nghĩa. Khi đời sống được nâng cao hơn thì những nhu cầu khác cũng được phát triển nhiều mặt và nâng lên như một điều hết sức bình thường. Cũng từ đấy những giá trị của ngày xưa trong một chừng mực nào đó đã không còn như điểm xuất phát ban đầu.
Hãy nhìn sang lĩnh vực ca nhạc mà xem. Đã qua rồi cái thời những người nghệ sĩ phải được đào tạo qua trường lớp hay có năng khiếu thiên bẩm mới được đứng trên sân khấu khẳng định tài năng, mới được khán giả đón nhận. Cách đây chỉ hai mươi năm thôi, những chương trình như Làn Sóng Xanh được xem là bệ phóng uy tín cũng như khẳng định tài năng của những danh ca đủ sức trở thành thần tượng của công chúng.
Còn bây giờ thì sao? Hàng loạt chương trình truyền hình thực tế được tổ chức ngày này qua tháng nọ trên khắp các phương tiện, nền tảng mạng xã hội cũng như truyền hình. Điểm chung là sau mỗi cuộc thi ấy những người - ở nhiều lứa tuổi - dù có đoạt giải hay không đoạt giải điều nghiễm nhiên trở thành ca sĩ và dấn thân vào con đường ca hát.
Thậm chí có ý kiến cho rằng thời nay chỉ cần cầm micro lên là trở thành ca sĩ được. Từ đó danh xưng ca sĩ trở nên xô bồ, bình thường và mất dần giá trị. Tuy nhiên giữa hàng trăm, hàng ngàn ca sĩ, dù chính quy hay không chính quy, tài năng hay không tài năng đó thì với tư cách là một người xem có chọn lọc thì chúng ta có quyền và có thể chọn ra được một hay nhiều con người phù hợp với gu thưởng thức của chính mình. Khi ấy trong lòng của bản thân ta, người đó mới thật sự là ca sĩ.
>> Danh hiệu hoa hậu có trọn vẹn khi bỏ phần thi áo tắm?
Còn việc biết bao gameshow mọc ra như nấm sau mưa cũng chỉ là nhu cầu giải trí tất yếu của thời đại bây giờ mà thôi. Có cung tất có cầu, và chương trình nào không trụ lại được sẽ tự động biến mất.
Vòng quanh đôi chút chuyện ca hát để cho thấy rằng danh xưng hoa hậu dường như đang đi theo một con đường kiểu thế đó. Trước kia cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam hiếm hoi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi ấy, những hoa hậu được chọn là đi kèm sự thừa nhận, tôn vinh và kỳ vọng của cả một đất nước trên phương diện lan tỏa những điều tốt đẹp.
Nhưng dần dần xã hội có nhiều nhu cầu và xuất phát từ sự thiếu những quy định rõ ràng cho danh xưng hoa hậu đã khiến cho rất nhiều cuộc thi về nhan sắc xuất hiện.
Có một điều chúng ta phải đối diện với thực tế rằng những cuộc thi nhan sắc ấy không hẳn chỉ để tìm ra người phụ nữ đẹp nhất rồi hướng đến các hoạt động xã hội thuần túy. Bởi những góc khuất trong các cuộc thi ấy thì không khó để tìm hiểu trên các phương tiện báo đài.
Đó có thể đơn giản là một vụ đầu tư PR của thương hiệu nào đó hay đánh dấu một sự kiện văn hóa sắp diễn ra của địa phương. Bởi cái đẹp luôn được chú ý và không có gì tuyệt vời hơn khi các thương hiệu hoặc những thông điệp được gắn trên những nàng hoa hậu. Bên cạnh đó việc xuất hiện và đoạt giải trong các cuộc thi nhan sắc kiểu như thế này cũng là cơ hội đổi đời.
Đâu chỉ ở Việt Nam mà tại Hồng Kông (cùng nhiều nơi khác) chúng ta đều đã biết những người đẹp đoạt giải cao trong cuộc thi nhan sắc của xứ Cảng Thơm thì gần như tất cả đều trở thành diễn viên được lăng xê nhiệt tình bất chấp họ có năng khiếu diễn xuất hay không. Khi ấy danh vọng, tiền bạc đều có đủ cả. Như vậy một cuộc thi nhan sắc mà không vi phạm quy định của nhà nước và có thể đem lại lợi ích cho rất nhiều người thì tự nhiên nó sẽ ra đời như phần hiển nhiên của cuộc sống.
Nếu là những thế hệ cách đây 20, 30 năm thì sẽ hỏi tại sao bây giờ lại có nhiều cuộc thi hoa hậu như vậy và để làm gì? Câu hỏi đó xuất phát từ chút hoài cổ và có sự so sánh với chuẩn mực là những hoa hậu xưa so với những nàng hậu bây giờ. Thế nhưng mỗi thời đại có những bước chuyển riêng của nó. Mọi so sánh cũng chỉ là so sánh mà thôi, khó đem lại sự đồng thuận tuyệt đối.
>> Hoa hậu Việt nói tiếng Anh khiến khán giả nước ngoài ngơ ngác
Nếu hỏi những thanh niên thế hệ 2K trở về sau này thì có lẽ họ không quá quan tâm việc có nhiều danh hiệu hoa hậu như vậy. Trong mắt họ đấy cũng chẳng khác những chương trình gameshow là bao. Sau nhiều cuộc thi sẽ có nhiều hoa hậu nhưng ai mới thật sự là hoa hậu trong lòng mình thì tự mỗi người sẽ có lựa chọn cho riêng.
Cũng nên hiểu rằng gió tầng nào gặp mây tầng ấy. Nếu các cuộc thi mang tính "thương mại" hay "mì ăn liền" ấy thiếu hẳn cái chất cần có thì không sớm cũng muộn sẽ bị quên lãng mà thôi. Một cách lạc quan khác là cũng nên cho các cuộc thi này một cơ hội, một cái nhìn thiện cảm hơn bởi dù sinh sau đẻ muộn nhưng chắc gì không tốt? Nhiều cách thức tổ chức cũng là cách giúp cho những người làm công tác này chú ý làm tốt hơn.
Nói như vậy không có nghĩa chúng ta đồng thuận cho việc tổ chức tràn lan các cuộc thi sắc đẹp rồi gán cho đó những danh xưng hoa hậu vô tội vạ. Đáng nói hơn họ là đại diện cho Việt Nam xuất hiện cùng bạn bè quốc tế.
Nhưng những người đẹp ấy không được công nhận một cách chính thống hoặc còn nhiều thiếu sót để có thể đại diện cho một Việt Nam thời kỳ đổi mới dễ gây nên những cái nhìn không tốt.
Thạnh Khương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.