Phó thủ tướng Lê Thành Long vừa ký quyết định duyệt Đề án người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.
Đề án nhằm phát huy tiềm năng của người cao tuổi trong các lĩnh vực trên, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của thế hệ này. Mục tiêu đến năm 2030, mỗi tỉnh có ít nhất năm mô hình của người cao tuổi về thu gom, phân loại rác tại nguồn, ba mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, ít nhất 1.260 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, 100.000 người có việc làm từ các mô hình khởi nghiệp này.
90% người cao tuổi được nâng cao nhận thức về các lĩnh vực chuyển đổi số, xanh cũng như khởi nghiệp. 50% trong số họ thành thạo kỹ năng số cơ bản, gồm dịch vụ công trực tuyến, mua sắm online, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Người cao tuổi được quy định từ mốc 60 tuổi trở lên, sẽ được hỗ trợ nguồn lực để duy trì, nhân rộng mô hình kinh doanh phù hợp hoặc xây dựng mô hình mới tại cộng đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, Phó thủ tướng yêu cầu xây dựng thí điểm mô hình người cao tuổi tham gia chuyển đổi số trong lao động sản xuất, quản lý, phát triển xã hội. Với chuyển đổi xanh, hỗ trợ các điều kiện để họ tham gia lao động - sản xuất, xây dựng mô hình hộ gia đình trồng cây xanh và bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Các nội dung về chuyển đổi số và khởi nghiệp lần lượt do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, thực hiện.
Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam xây dựng dự toán, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao, đồng thời vận động nguồn lực xã hội hóa và các tổ chức quốc tế hỗ trợ hoạt động của đề án.
Bảo Bảo