Chiều 25/12, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nghị quyết nêu trên được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, diễn ra vào tháng 11 vừa qua, tuy nhiên không thể công bố ngay do hồ sơ về nghị quyết này là tài liệu mật.
"Chúng tôi nhận thấy cần phải giải mật để bàn hành nghị quyết, để các cơ quan biết và thực hiện. Vì vậy, Văn phòng Quốc hội đã xin ý kiến của Chính phủ, các bộ Quốc phòng, Công an, sau đó báo cáo Chủ tịch Quốc hội để giải mật và công bố sau một tháng", ông Phúc nói.
Về ý nghĩa của nghị quyết trên, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, giải thích Luật Đất đai 2013 chưa quy định về việc giao quân đội, công an dùng đất quốc phòng, an ninh kết hợp xây dựng kinh tế.
Vì vậy, Quốc hội ban hành nghị quyết trên, đưa ra các chính sách thí điểm, nhằm tháo gỡ các dự án có vướng mắc, tồn đọng trong việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp xây dựng kinh tế đã có từ trước Luật Đất đai năm 2013.
"Nhiệm vụ của quân đội là kết hợp chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất, trong đó có tham gia làm kinh tế. Dù Luật Đất đai 2013 chưa quy định việc dùng đất quốc phòng, an ninh làm kinh tế nhưng thực tiễn đã diễn ra. Một số dự án sai phạm, không hiệu quả, nhưng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chưa có cơ sở pháp lý để dừng các hợp đồng sử dụng đất liên quan. Nghị quyết ra đời để giải quyết vướng mắc đó", ông Hưng giải thích.
Nghị quyết nêu rõ, việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính. Trường hợp sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính.
Đất quốc phòng, an ninh không được sử dụng để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết.
Tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì "phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật".
Quốc hội giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án đất quốc phòng, an ninh đã liên doanh, liên kết để làm kinh tế trước khi nghị quyết này có hiệu lực, đề xuất phương án xử lý. Với dự án sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi.
Dự án có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch địa phương, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện đến khi hết thời hạn; sau khi dự án hết thời hạn liên doanh, liên kết sẽ không được gia hạn.
Hai bộ trưởng Quốc phòng, Công an có trách nhiệm rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch dùng đất quốc phòng, an ninh, đảm bảo quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Với khu đất có giá trị kinh tế lớn, từ 500 tỷ đồng trở lên (theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành), không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, bộ trưởng hai Bộ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chuyển mục đích sử dụng, để phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, hai bộ Quốc phòng, Công an bàn giao cho UBND cấp tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết được thi hành từ 1/2/2021; hết hiệu lực khi Luật Đất đai sửa đổi mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực.