Thông tin được ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban quản lý các đường cao tốc phía Nam cho biết ngày 10/5, sau khi chủ đầu tư hoàn tất chọn nhà thầu thi công mới thay thế đơn vị cũ đã dừng hợp đồng. Gói thầu A6 đi qua Đồng Nai, dài hơn 16 km, chia làm 5 gói nhỏ, trong đó 4 gói đã có nhà thầu mới được đồng loạt thi công trở lại. Hạng mục còn lại đang được đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu mới.
Theo ông Vị, gói A6 trước đó đã hoàn thành gần 34% khối lượng nhưng tạm ngưng từ năm 2019 do nhà thầu cũ đã dừng hợp đồng vì vướng mắc nguồn vốn. Sau khi tái khởi động, các hạng mục còn lại thuộc gói thầu này dự kiến hoàn thành toàn bộ vào đầu quý hai năm 2024.
Ngoài ra, hai gói thầu lớn khác thuộc đoạn phía Đông của tuyến cao tốc gồm A5 hiện đã cơ bản hoàn thành, gói A7 khối lượng cũng đạt hơn 68%.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An, TP HCM và Đồng Nai, khởi công năm 2014. Giai đoạn một, tuyến được thiết kế 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, giúp kết nối hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, tạo đà phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm ba nguồn vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và phần đối ứng trong nước. Tuyến chia thành ba đoạn, gồm 11 gói thầu xây lắp chính. Trong đó, 5 gói đoạn phía Tây (A1, A2-1, A2-2, A3, A4) dùng vốn ADB. Ba gói đoạn giữa (J1, J2, J3) dùng vốn của JICA. Ba gói còn lại ở phía Đông (A5, A6, A7) dùng vốn từ hiệp định vay ADB lần hai.
Năm 2019, dự án đạt 80% khối lượng thì vướng thủ tục và không được bố trí vốn, dẫn đến nhiều nhà thầu dừng thi công. Để tháo gỡ vướng mắc và khởi động lại toàn bộ công trình, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, bao gồm lùi thời gian hoàn thành đến tháng 9/2025, điều chỉnh cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn ở dự án. Trong đó, VEC được sử dụng tiền tích luỹ vốn cùng nguồn hợp pháp của đơn vị để hoàn thành công trình.
Gia Minh