Truyền thông Mỹ ngày 9/11 công bố ảnh vệ tinh thương mại chụp ngày 2/11 của hãng Maxar cho thấy mô hình giống tàu sân bay Mỹ tại sa mạc Taklamakan thuộc khu tự trị Tân Cương. Khu vực này nằm cách địa điểm Maxar hôm 1/11 phát hiện loạt mục tiêu mô phỏng chiến hạm lớp Gerald R. Ford của Mỹ tại huyện Nhược Khương gần 500 km.
Hai thao trường có nhiều điểm tương đồng, trong đó các mô hình tàu sân bay đều gióng theo một hướng trên bản đồ như đang di chuyển theo đội hình. Quá trình xây dựng mô hình tàu sân bay thứ hai bắt đầu từ khoảng cuối tháng 6 và cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 10.
Mô hình tại thao trường thứ hai chỉ dài 173 m, bằng một nửa tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, nhưng có cấu trúc tháp chỉ huy rõ ràng, thay vì kích thước thật nhưng hoàn toàn bằng phẳng như mục tiêu được phát hiện trước đó ở Nhược Khương.
Xung quanh mục tiêu có nhiều cọc thẳng, có thể lắp thiết bị đo đạc hoặc bộ phản xạ nhằm mô phỏng độ bộc lộ radar của tàu sân bay Mỹ. Đặc điểm này khiến mô hình tàu sân bay thứ hai hiện rõ trên ảnh vệ tinh sử dụng radar khẩu độ tổng hợp.
Đây không phải lần đầu Trung Quốc dựng mục tiêu mô phỏng tàu sân bay trên sa mạc. Trung Quốc năm 2003 xây dựng một mục tiêu tàu sân bay bằng bê tông tại bãi thử tên lửa Shuangchengzi, khu tự trị Nội Mông. Mục tiêu này bị bắn trúng nhiều lần và thường xuyên được tu sửa.
Giới chuyên gia cho rằng mô hình mục tiêu được dựng tại sa mạc ở Nội Mông và Tân Cương bảo đảm các tên lửa diệt hạm chỉ bay trong lãnh thổ Trung Quốc, cho phép nước này kiểm soát toàn bộ không phận quanh mục tiêu, ngăn đối phương thu thập dữ liệu và mảnh vỡ từ các quả đạn.
Quân đội Trung Quốc đang triển khai một số chương trình tên lửa đạn đạo diệt hạm nhằm đối phó với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, trong đó đi đầu là mẫu DF-21D và DF-26 có tầm bắn lần lượt là hơn 1.400 km và 3.700 km, có khả năng bắn trúng mục tiêu di động.
Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc có thể mang biến thể DF-26 đủ lớn để gắn đầu đạn siêu vượt âm. Lầu Năm Góc nhận định Bắc Kinh có thể trang bị tên lửa đạn đạo diệt hạm cho Type-055, khu trục hạm lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 13.000 tấn.
Vũ Anh (Theo USNI)