Từ 13h, hơn 500 công nhân Công ty TNHH EM - Tech đóng ở phường Vinh Tân, TP Vinh, ngừng việc, ngồi trật tự theo hàng ở khuôn viên công ty. Tại một số phân xưởng, hàng trăm công nhân khác vẫn làm việc bình thường.
Công nhân có 4 kiến nghị gồm: Tăng lương năm 2021; tiền phụ cấp phải công bằng; suất ăn trưa không đảm bảo dinh dưỡng; test Covid-19 cho 100% công nhân vào thứ hai hàng tuần.
"Người có thâm niên lâu năm cũng lĩnh phụ cấp như người mới vào công ty là không công bằng", một nữ công nhân giải thích lý do ngừng việc. Chị cho hay đang nhận 3,9 triệu đồng lương tối thiểu vùng, cùng với tăng ca và các khoản phụ cấp, mỗi tháng chị nhận khoảng 6 triệu đồng.
Ông Thái Lê Cường, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Vinh, cho hay đại diện công ty đã giải thích lý do không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 bởi chịu tác động của dịch Covid-19, doanh thu giảm. Theo lộ trình, doanh nghiệp sẽ tăng lương vào tháng 3 tới. Công ty hứa sẽ báo cáo với tổng công ty ở nước ngoài về kiến nghị tăng lương và trả lời sớm nhất.
Về phụ cấp, đại diện công ty cho rằng công nhân đã hiểu nhầm bởi thực tế người có thâm niên thì phụ cấp sẽ cao hơn người mới vào; về suất ăn, đơn vị hứa tăng từ 14.000 lên 16.000 đồng/suất.
Lãnh đạo liên đoàn cho rằng, công ty đã thực hiện đúng quy định phòng Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế, tuy nhiên sẽ xem xét kiến nghị test nhanh của công nhân. Về lương tối thiểu, TP Vinh thuộc vùng 3, lương tối thiểu hơn 3,4 triệu đồng, công ty đang trả 3,9 triệu đồng là không sai quy định.
Sau khi nghe những giải thích của công ty và Liên đoàn lao động thành phố, công nhân đã ra về.
Công ty EM - Tech chuyên sản xuất linh kiện điện tử, hoạt động từ năm 2012, 100% vốn nước ngoài, quy mô khoảng 1.700 công nhân.
Chiều cùng ngày, tại Công ty cổ phần Nam Thuận, đóng tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, khoảng 200 công nhân cũng yêu cầu tăng tiền xăng xe cùng một số khoản phụ cấp.
Theo ông Phạm Đức Cường, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu, lãnh đạo công ty và chính quyền đang giải thích, vận động để công nhân hiểu rõ những quy định. Hiện, các công nhân đã trở về nhà.
Công ty cổ phần Nam Thuận chuyên may mặc, quy mô trên 1.000 người.
Tại Hà Tĩnh, chiều 15/2, hơn 200 trong tổng số hơn 2.000 công nhân Công ty Haivina, đóng tại cụm công nghiệp Nam Hồng, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tập trung phía trong khuôn viên đề nghị tăng lương, trả tiền hỗ trợ Covid-19 và đảm bảo một số chế độ phụ cấp.
Sau khoảng 30 phút, doanh nghiệp đã cho những lao động trên tạm nghỉ việc ra về, tại một số bộ phận khác hoạt động sản xuất diễn ra bình thường.
Công nhân cho biết ngừng việc để đòi quyền lợi vì lương cơ bản và các chế độ thấp. Dù có đủ tiền tăng ca và phụ cấp, mỗi tháng công nhân chỉ được hơn 4 triệu đồng, khó trang trải cuộc sống. "Tôi đi làm đầy đủ cũng chỉ được thêm phụ cấp 180.000 đồng. Hôm nhà có việc, về sớm 20 phút thì bị trừ hết tiền chuyên cần", một nữ công nhân nói.
Ông Đinh Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, nói chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến nắm bắt sự việc, phía doanh nghiệp đang xin ý kiến của Tổng công ty bên Hàn Quốc, sáng mai sẽ trả lời người lao động.
"Ngày mai chúng tôi sẽ xuống trao đổi, nắm sâu thêm hợp đồng và cam kết của doanh nghiệp đối với người lao động. Địa phương mong muốn họ trả lời giải quyết thấu đáo để công nhân trở lại sản xuất", ông Hồng nói.
Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm gang tay thể thao, gang tay công nghiệp, trang phục thể thao... Doanh nghiệp thành lập tháng 10/2018, 100% vốn Hàn Quốc, quy mô hơn 2.000 công nhân.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức lương này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động.
Do tác động của Covid, lương tối thiểu vùng được áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến nay như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.