Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 24/1 gọi động thái của Đức và Australia là "quá sớm". Với quyết định này, tổng cộng 4 nước đã thông báo rút nhân viên khỏi sứ quán tại Ukraine.
Trước đó, Mỹ ngày 23/1 yêu cầu gia đình nhân viên đại sứ quán ở Ukraine về nước do "mối đe dọa từ hoạt động quân sự của Nga", đồng thời cho phép nhân sự không thiết yếu tự nguyện rời quốc gia Đông Âu này. Đại sứ quán Anh tại Ukraine ngày 24/1 thông báo rút gần một nửa nhân sự cùng thân nhân các nhân viên ngoại giao khỏi Kiev với lý do tương tự.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết có 129 đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài tại Ukraine. Trừ 4 nước nói trên, các nước còn lại khẳng định không có kế hoạch sơ tán nhân viên hoặc người phụ thuộc.
"Chúng tôi bày tỏ biết ơn với các đối tác quốc tế, những người đánh giá tỉnh táo tình hình hiện tại và không sử dụng các biện pháp sơ tán sớm", Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Quân đội Ukraine tuần trước nhận định Nga đang duy trì 127.000 binh sĩ và nhiều lữ đoàn tên lửa đạn đạo Iskander ở biên giới, lưu ý nhiều khu vực trọng yếu của nước này, trong đó có thủ đô Kiev, đều nằm trong tầm bắn tên lửa Nga.
Nga thông báo sẽ điều quân và khí tài, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không S-400, tới Belarus để tham gia diễn tập chung. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo đây có thể là "dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh", đồng thời khẳng định "rất cảnh giác với mọi điều Nga đang làm".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)