Theo đề án tuyển sinh chính thức, được trường Đại học Luật Hà Nội công bố ngày 21/6, học phí năm học 2022-2023 được chia thành ba mức tương ứng với ba chương trình.
Chương trình đại trà 20 triệu đồng một năm, tương đương 572.000 đồng/tín chỉ, chương trình chất lượng cao 50 triệu đồng (1,6 triệu đồng/tín chỉ). Chương trình liên kết với Đại học Arizona (Mỹ) có học phí cao nhất: 233,3 triệu đồng.
Với các khóa tuyển sinh trước 2022, học phí mỗi tín chỉ dao động 429.000-438.000 đồng, tương đương 15 triệu đồng một năm.
Năm ngoái, học phí của Đại học Luật Hà Nội từ 280.000 đến 290.000 đồng/tín chỉ học tập chuyên môn, 990.000-1.015.000 đồng/tín chỉ thuộc các môn cơ sở ngành, tin học, ngoại ngữ. So với năm nay, học phí năm ngoái thấp hơn gần một nửa.
Đại học Dược Hà Nội cũng vừa thông báo học phí mới trong đề án tuyển sinh. Tại chương trình đại trà, học phí được thực hiện theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ; cụ thể ngành Dược 24,5, ngành Hóa dược 18,5, hai ngành Công nghệ sinh học và Hóa học 13,5 triệu đồng một năm.
Với hệ chất lượng cao, học phí năm học tới là 45 triệu đồng một năm. Nhà trường lưu ý, mức học phí hàng năm có thể được điều chỉnh để phù hợp với chi phí đào tạo thực tế. Mức tăng không quá 10% so với năm liền trước trong ba năm đầu, và 5% cho hai năm sau.
Năm 2021, trường Dược Hà Nội không quy định học phí với hệ chất lượng cao trong đề án tuyển sinh, hai chương trình còn lại là Dược học và Hóa dược 14,3 triệu đồng, thực hiện theo quy định của chính phủ với khối ngành y dược.
Trước đó vào đầu tháng 4, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng công bố học phí dự kiến của năm 2022 là 42 triệu đồng một năm, cao hơn mức thu năm 2021 khoảng 0,7-1,3 triệu đồng, tương đương tăng 20-37%.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, học phí tính theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 với 276.000 (hệ đại trà) và 771.000 (hệ chất lượng cao).
Theo lý giải của các trường, học phí tăng bởi các đại học phải xây dựng khung mới, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.
Cụ thể, theo khung quy định, học phí tất cả khối ngành năm 2022-2023 đều tăng so với năm trước, dao động từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Trong đó, khối Y dược, ngành sức khỏe khác tăng mạnh nhất với 4,2-10,2 triệu đồng/năm.
Với trường công lập tự chủ, tùy mức độ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần trên, tương ứng với khối ngành và từng năm học.
Riêng các chương trình đạt mức kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường đại học được tự xác định mức học phí dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật của mình.
Cả nước có khoảng 240 cơ sở giáo dục đại học. Từ năm 2014, 23 trường bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Từ tháng 7/2019, khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi được áp dụng, các trường dần thực hiện quyền tự chủ đại học nên học phí bắt đầu tăng mạnh từ năm 2021.
Thanh Hằng