Đây là một trong những quy định tại Nghị định 81/2021 về cơ chế thu, quản lý và miễn, giảm học phí, được Chính phủ ban hành ngày 27/8. Theo đó, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ đề xuất với HĐND cấp tương ứng xem xét không thu học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, nghiên cứu sinh trong khu vực bị ảnh hưởng. Tùy mức độ và phạm vi chịu tác động, thời hạn được miễn học phí sẽ được cân nhắc.
Trường hợp vẫn thu học phí, các tỉnh, thành cần căn cứ vào số tháng học thực tế, gồm cả học trực tuyến và dạy bù, nhưng không được quá 9 tháng, tương ứng với thời gian một năm học. Học phí năm học 2021-2022 dựa trên tình hình thực tế của địa phương, không được vượt quá mức trần của năm 2020-2021.
Nghị định được ban hành trong bối cảnh học sinh phổ thông đã học online nhiều tháng trong hơn một năm qua. Nhiều tỉnh, thành như Quảng Ninh, Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp năm học 2021-2022 với số tiền dao động 87-138 tỷ đồng. Trong chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ngày 24/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu các địa phương, trường học không tăng học phí năm học 2021-2022.
Ngoài ra, Nghị định 81 còn quy định khung học phí (mức sàn - mức trần) với trường mầm non, phổ thông công lập năm học 2022-2023: (Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng)
Dựa vào khung này, HĐND các tỉnh sẽ quyết định mức học phí cụ thể với từng trường tại từng địa bàn. Từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng và khả năng chi trả của người dân, tối đa 7,5% một năm.
Thanh Hằng