Đại học Nội vụ Hà Nội công bố điểm sàn cho 25 chuyên ngành tại ba cơ sở Hà Nội, Quảng Nam và TP HCM. Trong cùng chuyên ngành, mỗi tổ hợp lại có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khác nhau.
Điểm sàn của Đại học Nội vụ trải tương đối rộng, từ 14 đến 20,5. Mức điểm cận dưới 14-15 tập trung ở các ngành tại cơ sở Quảng Nam, không ngành nào có điểm sàn cao hơn ngưỡng này. Tại cơ sở TP HCM, điểm sàn ở mức cao hơn một chút, dao động 14,5-17, cao nhất là tổ hợp A01 (Toán, Lý, tiếng Anh) của ngành Luật với 17 điểm.
Trong 11 ngành của cơ sở Hà Nội, tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) của ngành Quản trị nhân lực lấy điểm sàn cao nhất 20,5, kế đó là C19 (Văn, Sử, Giáo dục công dân), C20 (Văn, Địa, Giáo dục Công dân) của ngành Quản trị Văn phòng 19,5. Các tổ hợp có điểm sàn cao đều thuộc các môn xã hội.
Năm 2020, Đại học Nội vụ Hà Nội tuyển 2.200 chỉ tiêu, trong đó 1.450 tại trụ sở Hà Nội, 348 tại phân hiệu Quảng Nam và 400 tại phân hiệu TP HCM. Thanh tra và Quản trị nhân lực là hai chuyên ngành lấy nhiều chỉ tiêu nhất, lần lượt là 252 và 250.
Điểm chuẩn năm ngoái của Đại học Nội vụ Hà Nội từ 15 đến 22,5, trong đó Quản trị văn phòng có điểm chuẩn cao nhất tại khối C19 và C20, kế đó là Quản trị nhân lực và Luật, cùng 21,5 điểm.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ chia điểm sàn theo hai phương thức xét tuyển, riêng khối ngành sức khỏe có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào riêng. Với phương thức xét học bạ, điểm sàn là 18 cho tất cả các ngành. Nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải qua mức điểm sàn là 16 với ngành Quản trị kinh doanh và 15 cho các ngành còn lại.
Tại khối ngành Sức khỏe, Đại học Kinh doanh và Công nghệ đặt ra yêu cầu cho phương thức xét học bạ. Theo đó, thí sinh phải đạt học sinh giỏi năm lớp 12, tổng điểm ba môn từ 24 trở lên nếu nộp vào Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược; đạt loại khá, tổng điểm tối thiểu 19,5 cho ngành Điều dưỡng. Điểm sàn của khối Sức khỏe nếu sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sau ngày 15/9.
Năm 2019, điểm chuẩn của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từ 14 đến 21, cao nhất là Y đa khoa, sau đó là Dược học và Kinh doanh quốc tế cùng lấy 20 điểm. Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa, Ngôn ngữ Nga... là những ngành có điểm chuẩn thấp nhất.
Năm học 2020-2021, Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển 4.330 sinh viên tại 40 ngành. Trường áp dụng bốn phương thức tuyển sinh, trong đó có xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 hoặc xét học bạ với thi năng khiếu cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mâm non - Sư phạm tiếng Anh.
Các ngành tổ chức thi năng khiếu:
Ngưỡng đảm bảo chất lượng về năng khiếu của ba ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật là 16,75, Giáo dục thể chất 18,5. Các ngành và phương thức còn lại theo ngưỡng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm ngoái, Sư phạm Toán có điểm chuẩn cao nhất 26,4, nhiều ngành ngoài sư phạm như Công tác xã hội, Sinh học, Triết học hay Việt Nam học có điểm chuẩn thấp, chỉ 16-17 điểm.
Học viện Tài chính lấy điểm sàn là 17 đối với chương trình chuẩn và 18 với chương trình chất lượng cao. Ngoài ra, không môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 trở xuống. Mức điểm này của trường được công bố trong đề án tuyển sinh hồi tháng 4 và không thay đổi.
Trong 4.200 chỉ tiêu, trường dành ít nhất 50% để xét tuyển theo phương thức tuyển thẳng học sinh giỏi ở bậc THPT và kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT, số còn lại xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Điểm trúng tuyển năm 2019 của Học viện Tài chính từ 21,25 đến 23,55, ngành Ngôn ngữ Anh lấy 29,82 theo công thức riêng.
Sau khi nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày 27/8, thí sinh nhận giấy báo tốt nghiệp tạm thời chậm nhất 4/9. Các em điều chỉnh nguyện vọng nộp vào đại học từ 19/9 đến 17h ngày 25/9 theo phương thức trực tuyến và đến 17h ngày 27/9 bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đợt một trước 17h ngày 5/10.
Thanh Hằng