Năm 2020, Đại học Điện lực tuyển 3.430 sinh viên cho 19 ngành/chuyên ngành đào tạo, trong đó 730 chỉ tiêu xét tuyển theo học bạ và 2.700 xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các tổ hợp xét tuyển bao gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh).
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 15-16, tức trung bình mỗi môn 5 điểm, trong đó hai ngành lấy 16 điểm là Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và Công nghệ thông tin. 17 ngành còn lại lấy điểm sàn là 15, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng.
Mức điểm này thuộc nhóm thấp nhất trong số trường đã công bố điểm sàn xét tuyển. Tuy nhiên, nó cho thấy điểm trúng tuyển vào trường năm nay chắc chắn tăng bởi năm ngoái Đại học Điện lực có điểm chuẩn chỉ 14-16,5.
Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp thông báo điểm sàn xét tuyển là 15-18, duy nhất ngành Công nghệ thông tin lấy 19. Mức cụ thể từng ngành ở cơ sở Hà Nội và Nam Định như sau:
Mức này đã bao gồm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực. Thí sinh không trúng tuyển tại Hà Nội sẽ được ưu tiên xét trúng tuyển tại Nam Định và được đổi ngành. Ở hai cơ sở, trường tuyển tới gần 4.900 sinh viên, trong đó tối đa 70% tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Đại học Hà Nội thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học hệ chính quy năm 2020 là 16 điểm cho tổng ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật Lý, Tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mức này tính theo thang điểm 30, chưa nhân hệ số.
Năm 2020, Đại học Hà Nội tuyển 2.600 chỉ tiêu cho 25 ngành đào tạo và 240 chỉ tiêu cho các chương trình đào tạo quốc tế. Điểm chuẩn vào trường cao nhất là 33,85 với Ngoại ngữ nhân hệ số 2.
Học viện Chính sách và Phát triển tuyển 950 sinh viên, trong đó 30% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điểm sàn xét tuyển các ngành đồng loạt là 18. Mã ngành và tổ hợp cụ thể như sau:
Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào trường là từ 17,2 đến 20.
Một số trường ngoài công lập cũng lấy điểm sàn xét tuyển ở mức thấp. Chẳng hạn, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là 15, trừ ngành Quản trị kinh doanh lấy 16 và khối ngành Sức khoẻ lấy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào trường là 14-21.
Đại học Nguyễn Trãi tuyển 400 sinh viên, trong đó tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 118 em. 11 ngành đào tạo gồm Kiến trúc, Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế nội thất, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Quan hệ công chúng, Kế toán, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật công trình xây dựng, Ngôn ngữ Nhật và Công nghệ thông tin. Tất cả đều lấy mức nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm.