Chiều 30/10, ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải), cho biết đây là các tuyến buýt trợ giá, được hoạt động trở lại sau khi đánh giá nhu cầu đi lại, mức độ quan trọng về tính kết nối, liên thông của từng tuyến, cũng như đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Trong 8 tuyến buýt, ngoài số 151 (Bến xe Miền Tây - Bến xe An Sương) với 54 chuyến, 7 tuyến khác sẽ chạy 60 chuyến mỗi ngày, gồm: số 4 (Bến Thành - Cộng Hòa - Bến xe An Sương), 28 (Bến xe buýt Sài Gòn - chợ Xuân Thới Thượng), 31 (Đại học Tôn Đức Thắng - Bến Thành - Đại học Văn Lang), 36 (Bến Thành - Thới An), 45 (Bến xe buýt quận 8 - Bến Thành - Bến xe Miền Đông), 72 (Bến xe buýt Sài Gòn - Hiệp Phước), 102 (Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây).
TP HCM dừng hoạt động xe buýt cùng nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng khác hồi tháng 6 nhằm phòng chống dịch. Việc mở lại 8 tuyến buýt nêu trên, tại thành phố có tổng cộng 20 tuyến được khôi phục, tính từ ngày 5/10. Hiện, 16 tuyến buýt có trợ giá đã được thành phố cho chạy lại, gồm 4 tuyến ở Cần Giờ và 8 tuyến hoạt động ở nội thành, lộ trình kết nối các bến xe, bệnh viện...
Trước đó theo đề xuất của Trung tâm quản lý giao thông công cộng trong khôi phục hệ thống xe buýt, dự kiến từ ngày 8/11 có thêm 29 tuyến trợ giá hoạt động. 41 tuyến còn lại dự kiến được khôi phục từ ngày 15/11. Dựa trên tình hình phòng chống dịch, nhu cầu đi lại ở từng khu vực, hoạt động ở các tuyến xe sẽ được trung tâm điều chỉnh phù hợp.
TP HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, trong đó 90 tuyến trợ giá. Với 36 tuyến không trợ giá còn lại, việc khôi phục hoạt động sẽ do doanh nghiệp khai thác đăng ký thời gian, phương án, khi đáp ứng các điều kiện phòng dịch... Riêng các tuyến buýt không trợ giá liên tỉnh, việc mở lại sẽ được phối hợp các địa phương.
Gia Minh