Lần đầu tiên châu Á xuất hiện đại diện ở bán kết chạy 400m rào nữ kể từ Olympic London 2012, bởi kỳ tích của Quách Thị Lan ở 400m rào. Satomi Kubokura (Nhật Bản) cũng vượt qua vòng loại nội dung này chín năm trước, với thành tích 55,85 giây. Lần này đến lượt chân chạy Việt Nam thành niềm tự hào châu lục. Lan chạy hết 55,71 giây ở vòng loại, đứng thứ tư trong nhóm, vừa đủ để vào bán kết. Đấy cũng là thành tích tốt nhất của một chân chạy châu Á kể từ Olympic Athens 2004, nếu không tính VĐV của nước thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan.
Lan là đương kim vô địch châu Á lẫn Asiad, và cũng thành đại diện duy nhất của châu Á ở bán kết. Châu Á còn một đại diện khác ở vòng loại là Aminat Jamal, nhưng chân chạy Bahrain gốc Nigeria chỉ đạt thành tích 55,90 giây nên sớm dừng bước.
Ở bán kết, thành tích của Lan giảm xuống 56,78 giây, đứng thứ sáu trong nhóm và không thể vào chung kết. Dù vậy, trong điều kiện thời tiết bất lợi và ở nội dung không hợp với thể trạng của người châu Á, kết quả của cô cũng đáng được ghi nhận.
Tay vợt cầu lông Nguyễn Thuỳ Linh dù không vượt qua vòng bảng, cũng thắng hai trận và gây nhiều khó khăn cho số một thế giới Tai Tzu Ying. Ở bảng thứ bậc thế giới, Thuỳ Linh đứng thứ cuối trong bảng đấu bốn người. Nhưng, tay vợt Việt Nam thắng Qi Xuefei (Pháp) 21-11, 21-11, và hạ Sabrina Jaquet (Thuỵ Sĩ) 21-8, 21-17. Hai chiến thắng đậm trước đối thủ được coi là mạnh hơn, tay vợt 24 tuổi vẫn còn có thể tiến bộ hơn nữa.
Ở trận gặp Tai, Thuỳ Linh liên tục dẫn điểm trong hiệp một, nhưng thua ngược 16-21 ở thời điểm cuối, rồi thua 11-21 ở hiệp hai. Sau trận, cô chụp hình với Tai rồi đăng lên mạng xã hội chia sẻ hạnh phúc khi đấu với thần tượng. Bài đăng được hàng loạt báo Đài Loan đưa tin, còn CĐV nước này cũng khen ngợi hành động của Thuỳ Linh đáng yêu.
Nguyễn Tiến Minh cũng gây ấn tượng với làng cầu trắng thế giới khi dự Olympic ở tuổi 38. Anh là VĐV già nhất ở Olympic và cũng nhiều tuổi nhất trong top 100 thế giới. Liên đoàn Cầu lông thế giới BWF dành một bài đăng riêng trên Facebook để tôn vinh tay vợt số một Việt Nam. Họ muốn các VĐV và người hâm mộ giơ một cây vợt lên vì Tiến Minh, dù anh thua cả hai trận ở vòng bảng trước Anders Antonsen (Đan Mạch) và Ade Dwicahyo (Azerbaijan).
Đoàn thể thao Việt Nam đến Tokyo mà không bị áp chỉ tiêu huy chương. Với 43 thành viên, trong đó có 18 VĐV, đoàn Việt Nam đã quyết tâm đem về huy chương nhưng bất thành. Cơ hội rõ rệt nhất đến ở cử tạ nữ 59kg, nội dung của Hoàng Thị Duyên. Trước Olympic, hãng tin AP dự đoán Duyên sẽ đoạt HC bạc. Nhưng, khởi đầu không tốt khiến đô cử Việt Nam tụt lại và chung cuộc đứng thứ năm. Nếu như không cầm lệch thanh tạ ở lần cử giật đầu tiên, cô đã có thể đạt kết quả tốt hơn.
Đô cử Thạch Kim Tuấn cũng được kỳ vọng đoạt HC đồng, nhưng không đạt tổng cử vì thất bại ở cả ba lần cử đẩy. Cử tạ là hy vọng kiếm huy chương lớn nhất của đoàn Việt Nam, nhưng không thành.
Hy vọng của Việt Nam ở những môn võ cũng bị dập tắt, khi võ sĩ judo Nguyễn Thị Thanh Thuỷ và đấu sĩ boxing Nguyễn Thị Tâm đều thua ở trận đầu tiên. Võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền và đấu sĩ boxing Nguyễn Văn Đương thắng trận đầu, nhưng thua trận thứ hai. Văn Đương bị loại sau trận đó, còn Kim Tuyền có cơ hội tranh HC đồng với thắng trận vớt. Nhưng, võ sĩ Vĩnh Long thua đậm đối thủ Israel Abishag Semberg.
Những tượng đài thể thao Việt Nam như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hay kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng thi không thành công. Xuân Vinh - nhà vô địch 10m súng ngắn hơi Olympic 2016 - không vượt qua vòng loại ở Tokyo, dù có thời điểm anh đứng thứ chín, cách suất vào chung kết một bậc. Ánh Viên cũng chỉ đạt hai kết quả thấp nhất sự nghiệp ở nội dung bơi 200m và 800m tự do. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng đạt thành tích thấp hơn kết quả xét chuẩn ở nội dung 800m và 1500m tự do. Ở nội dung 1500m tự do, kình ngư Quảng Bình đứng thứ 12, thấp hơn bốn bậc so với suất vào chung kết.
Các môn khác cũng không đem lại bất ngờ cho thể thao Việt Nam. Đôi VĐV Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo đứng thứ 15 trong số 18 đoàn thi thuyền đôi nữ hạng nhẹ mái chèo đôi. Nhưng, đôi VĐV này cũng tạo ra kết quả tốt nhất của Việt Nam tại Olympic, với thành tích 7 phút 19,05 giây ở vòng xếp thứ bậc.
Thể dục dụng cụ Việt Nam không đạt kỳ vọng, khi Đinh Phương Thành chấn thương trước khi thi đấu, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành bài thi xà kép. Còn Lê Thanh Tùng sau cú tiếp đất không thành ở lượt nhảy chống đầu tiên, cũng mất cơ hội tranh suất vào chung kết.
Hai cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ cũng dừng bước ngay ở trận loại trực tiếp đầu tiên. Trong đó, Ánh Nguyệt - VĐV trẻ nhất của Việt Nam ở Olympic 2020 - cầm hoà Ren Hayakawa 5-5 và chỉ thua ở loạt bắn shoot-off.
Đây là lần đầu kể từ Athens 2004, Việt Nam không đoạt huy chương Olympic. Năm 2008, Việt Nam đoạt một HC bạc nhờ đô cử Hoàng Anh Tuấn. Ở London 2012, đô cử Trần Lê Quốc Toàn đoạt HC đồng, dù chín năm sau anh mới được công nhận huy chương này. Còn năm 2016, Xuân Vinh đem về HC vàng 10m súng ngắn hơi, và HC bạc 50m súng ngắn bắn chậm.
Xuân Bình