Cẩm nang Net Zero

Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh khác gì nhau?

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng đến việc sử dụng tài nguyên theo cách bền vững bằng việc tái sử dụng, tái chế và kéo dài vòng đời sản phẩm.

Thay vì mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, thải bỏ), kinh tế tuần hoàn xoay quanh việc giảm thiểu chất thải, tận dụng tối đa giá trị từ các sản phẩm và nguyên liệu. Mô hình này tập trung vào việc thiết kế sản phẩm để dễ dàng tái chế, tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm hạn chế tiêu thụ tài nguyên và giảm ô nhiễm. Theo cách này, vòng đời của sản phẩm được kéo dài.

Mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên.

Vòng sản phẩm kinh tế tuần hoàn.

Vòng sản phẩm kinh tế tuần hoàn.

Mối liên hệ kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn

Green economy (Kinh tế xanh) là nền kinh tế ít carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ý nghĩa cốt lõi của nó là tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.

Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đều có mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, nhưng mỗi mô hình có cách tiếp cận và chiến lược riêng.

Kinh tế tuần hoàn là một phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu của kinh tế xanh.

Ví dụ, trong kinh tế tuần hoàn, sản phẩm và tài nguyên không chỉ được sử dụng một lần, mà được tái chế và kéo dài vòng đời, giúp giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên mới, từ đó giảm áp lực lên môi trường và khai thác tài nguyên. Điều này phù hợp với triết lý cốt lõi của kinh tế xanh về việc giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ hệ sinh thái.

Việt Nam đang ở đâu trong hành trình?

Theo báo cáo Global Green Economy Index cập nhật năm 2024, Việt Nam đứng thứ 79 trên 160 quốc gia về chỉ số kinh tế xanh.

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã nhắc đến khái niệm kinh tế tuần hoàn, đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc triển khai các chính sách liên quan. Ngoài ra, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về giảm khí phát thải carbon tại COP26, trong đó mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 là một phần của chiến lược thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn là điều tất yếu trong tiến trình phát triển của nước ta để đảm bảo các cam kết về môi trường, khí hậu đã Việt Nam đưa ra trước đó.

Tháng 6/2022, Hội nghị quốc gia lần thứ nhất về kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh mục tiêu giảm thiểu rác thải và thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh.

Tại hội nghị, Chính phủ đưa ra cam kết xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế tài chính để khuyến khích kinh tế tuần hoàn, trong đó có việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng.

Tầm quan trọng và lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn

Cơ hội thị trường: Nghiên cứu của Accenture Strategy chỉ ra rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể mở ra cơ hội thị trường trị giá lên tới 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang triển khai hướng tới kinh tế tuần hoàn trong tổ chức.

Theo báo cáo năm 2023 của Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), kinh tế tuần hoàn có thể giúp Việt Nam tiết kiệm được 0,5-1% GDP hàng năm bằng cách giảm chi phí nguyên liệu và quản lý chất thải.

Bảo vệ môi trường: Việc tái sử dụng và tái chế sản phẩm sẽ làm chậm quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu sự phá vỡ cảnh quan và môi trường sống cũng như giúp hạn chế mất đa dạng sinh học.

Điều này góp phần làm giảm đáng kể tổng lượng khí thải nhà kính hàng năm. Ước tính hơn 80% tác động môi trường của sản phẩm được xác định trong giai đoạn thiết kế. Bao bì là một vấn đề ngày càng gia tăng và trung bình, người dân châu Âu thải ra khoảng 190 kg rác thải bao bì mỗi năm.

Giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô: Kinh tế tuần hoàn giúp giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhờ việc tái sử dụng, tái chế, và kéo dài vòng đời của sản phẩm. Thay vì liên tục khai thác nguyên liệu mới, các sản phẩm cũ được thu gom và tái chế để tạo ra nguyên liệu mới, giảm nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Điều này giúp giảm áp lực lên nguồn cung nguyên liệu thô, hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu, và giảm rủi ro liên quan đến biến động giá cả hoặc khan hiếm nguyên liệu.

Tiết kiệm: Người tiêu dùng sẽ được cung cấp những sản phẩm bền hơn và sáng tạo hơn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tiết kiệm tiền về lâu dài.