Thương hiệu điện thoại Việt mới nhất rời khỏi cuộc đua là VinSmart. Trong thông báo hôm 9/5, VinSmart cho biết sẽ đóng mảng điện thoại di động vì "không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng". Trước thời điểm đóng cửa, hãng này từng nằm trong top 4 thương hiệu di động có thị phần cao tại Việt Nam.
Việc rời thị trường của VinSmart được bàn tán từ lâu, nhưng những người trong ngành vẫn bất ngờ, "để lại nhiều tiếc nuối". Trước VinSmart, hàng loạt sản phẩm từng gắn mác "điện thoại thương hiệu Việt" như Q-Mobile, MobiiStar đã tỏa sáng thời gian ngắn rồi biến mất. Cuộc đua trong thị trường smartphone được đánh giá là ngày càng khó cho các hãng Việt Nam, dù ngay trên sân nhà.
Phụ thuộc bên ngoài
Ở giai đoạn sơ khai, những năm 2010, điện thoại thương hiệu Việt chủ yếu đi theo hướng ODM - đặt hàng các mẫu máy có sẵn từ nước ngoài (hầu hết là Trung Quốc) - sau đó gắn mác và bán ra. Hình thức này giúp các hãng có thể giảm tối đa chi phí cho sản phẩm, nhưng vì thế, bản thân hãng không thể làm chủ cuộc chơi trên thị trường.
Hình thức ODM này không còn phù hợp những năm gần đây. "Khi phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác, anh cũng khó tồn tại lâu dài", ông Mai Triều Nguyên, chủ chuỗi bán lẻ Mai Nguyên, người có hàng chục năm theo dõi thị trường điện thoại tại Việt Nam, nhận định.
Một chuyên gia đang làm việc tại một hãng điện thoại cũng cho rằng "qua thời gian, khoảng cách giữa các nhãn hiệu smartphone không còn lớn. Smartphone muốn bán được cần sự khác biệt, sáng tạo. Khi đó, những hãng không làm chủ công nghệ sẽ khó tồn tại".
Với VinSmart, công ty này có nhà máy, có đội ngũ R&D, từng có những thành tích nhất định, như công nghệ cho camera ẩn trong màn hình AI Vcam Kristal, chip bảo mật lượng tử, khóa bảo mật FIDO2. Nhưng giống nhiều hãng điện thoại khác, VinSmart vẫn phải phụ thuộc chuỗi cung ứng linh kiện. Theo ông Mai Triều Nguyên, với quy mô hiện tại, VinSmart vẫn chưa thể có thứ tự ưu tiên cao, nếu so với các tập đoàn sản xuất điện thoại của thế giới.
Thị trường linh kiện đang trong giai đoạn bất ổn do dịch bệnh, kéo theo cơn khủng hoàng chip toàn cầu. Những linh kiện như chip xử lý, màn hình sẽ lên giá, trong khi thời gian giao hàng kéo dài đến vài tháng. Các các hãng lớn cũng sẽ "ôm hết" và không còn suất cho các hãng nhỏ.
"Điện thoại được sản xuất theo dây chuyền. Chỉ cần thiếu một linh kiện thì cả dây chuyền sẽ phải dừng hoạt động, trong khi các chi phí vẫn phát sinh. Dần dần, hãng đó có thể chịu không nổi và phải tự dừng", ông Nguyên nhận định.
Cạnh tranh khốc liệt từ "ông lớn" nước ngoài
Không chỉ ở giai đoạn sản xuất, đến giai đoạn bán hàng, các thương hiệu điện thoại Việt cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu nước ngoài, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ mà VinSmart đang tập trung.
Thống kê tại các hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop, VinSmart không có đại diện nào trong Top 10 smartphone bán chạy của quý I/2021. Ở những hệ thống nhỏ hơn, như Hoàng Hà Mobile, các mẫu Vsmart bán tốt nhất là Joy 4, Live 4 - các mẫu máy giá từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng. Các sản phẩm giá trên 5 triệu đồng, như dòng Vsmart Aris, có lượng mua nhỏ giọt. Các máy Bphone của Bkav đều có giá từ 7 triệu đồng trở lên, không xuất hiện trên gian hàng của các nhà bán lẻ và doanh số của hãng này vẫn là một dấu hỏi.
"Phân khúc giá thấp dưới 4 triệu đồng là cuộc cạnh tranh cả về giá và thị phần. Phân khúc này là sự thống trị của các hãng Trung Quốc với lợi thế quy mô sản xuất lớn để có giá sản phẩm tốt. Khi đó, các hãng điện thoại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh", đại diện FPT Shop nhận định.
Ở phân khúc giá rẻ mà các hãng điện thoại Việt đang hướng tới, ông Mai Triều Nguyên cho rằng hãng sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ như dòng A, M của Samsung, chưa kể các hãng điện thoại Trung Quốc liên tục ra mẫu mới và sẵn sàng "đạp giá" lấy thị phần. "Với tiềm lực của mình, VinSmart vẫn có thể giành được thị phần cao trong một số giai đoạn nhất định. Nhưng như vậy sẽ rất khó có lãi, trong khi phải đầu tư nhà máy, nhân sự với mức lương cao", ông Nguyên nói.
Theo ông Trần Việt Hải, CEO của Bkav Electronics - công ty sản xuất Bphone, cạnh tranh về giá có thể dẫn đến phải bù lỗ và là cuộc chơi "đốt tiền" nên rất khó thành công. "Khi đã định vị ở phân khúc giá tốt, thương hiệu đó chỉ cần bán giá cao hơn một chút cũng có thể khiến khách hàng băn khoăn. Đó không phải là mô hình kinh doanh bền vững", ông Hải nhận định. Từ phân khúc tầm trung và cận cao cấp, công ty này cho biết sẽ sản xuất những mẫu Bphone "giá tốt".
Với sự rút lui của VinSmart, thương hiệu điện thoại Việt trên thị trường hiện chỉ còn một số cái tên: Bkav Bphone, VNPT Lotus và Masstel. Masstel cũng là một hãng chuyên hàng ODM, nhưng tập trung vào các mẫu máy cho người già, điện thoại "cục gạch". Sản phẩm bán chạy nhất của hãng là một mẫu máy giá khoảng 200 nghìn đồng. VNPT Lotus gần như không xuất hiện trên thị trường và nhiều năm liền không ra sản phẩm mới. Bkav hiện có hai sản phẩm là B86/B86s, sau khi hủy kế hoạch bán B40 và B60.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, sẽ rất khó có hãng điện thoại Việt nào sau này đủ sức thay thế VinSmart trong việc cạnh tranh với các hãng nước ngoài. Còn theo đại diện Bkav, hãng vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các công nghệ lõi trên smartphone, song song với việc giải các bài toán về vốn. "Ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam vẫn đang liên tục phát triển và chắc chắn sẽ phải có một hãng điện thoại", ông Trần Việt Hải nói.
Lưu Quý