"Báo cáo đầy đủ dự kiến được công bố trong vài tuần tới", phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic trả lời hôm 4/3 khi được hỏi về thông tin nhóm điều tra viên của họ có ý định hủy báo cáo sơ bộ được ghi nhận tại Trung Quốc trước đó.
Các nguồn thạo tin cùng ngày cũng tiết lộ hơn 20 nhà khoa học đã viết thư cho WHO, kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế mới về nguồn gốc Covid-19. Các chuyên gia này cho rằng chuyến đi của nhóm điều tra viên WHO tới Vũ hán, thành phố đầu tiên phát hiện ca nhiễm nCoV ở Trung Quốc, không được tiếp cận đầy đủ để điều tra về các giả thuyết liên quan nguồn gốc Covid-19, bao gồm cả giả thuyết virus có "lọt" từ phòng thí nghiệm hay không.
"Chúng tôi chỉ có thể điều tra về nguồn gốc đại dịch một cách thật sự kỹ lưỡng và đáng tin cậy. Các nỗ lực trước nay vẫn chưa thể tạo nên một cuộc điều tra kỹ lưỡng, đáng tin cậy và minh bạch", các nhà khoa học nêu trong thư.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi bức thư của các nhà khoa học quốc tế là "bình mới rượu cũ" về sự thiếu uy tín khoa học. Bắc Kinh cho biết thêm phái đoàn WHO tới Vũ Hán đã kết luận việc nCoV xuất phát từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra" và không đáng nghiên cứu thêm. Cơ quan ngoại giao và y tế Trung Quốc sau đó từ chối bình luận thêm về báo cáo sơ bộ của WHO.
Động thái của WHO được đưa ra trong bối cảnh tân Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã thay đổi quyết định rút khỏi tổ chức này và tiếp tục vận động để có cuộc điều tra "minh bạch" hơn về nguồn gốc Covid-19. Washington cho biết họ đang chờ để xem xét kỹ lưỡng báo cáo điều tra của nhóm chuyên gia WHO sau chuyến đi Vũ Hán.
Hiện chưa có thông tin giải thích về việc phái đoàn WHO chậm trễ công bố kết quả điều tra.
Bắc Kinh trong khi đó cũng thúc giục các nhóm chuyên gia WHO tiến hành điều tra tại các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, để tìm hiểu liệu nCoV có bắt nguồn từ bên ngoài Trung Quốc và lây lan tới Vũ Hán qua bao bì thực phẩm và đồ đông lạnh hay không.
Nhóm chuyên gia quốc tế thuộc WHO sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc đã đưa ra báo cáo sơ bộ rằng không đủ bằng chứng để kết luận nCoV đã lan truyền tại Vũ Hán trước tháng 12/2019, thời điểm những ca nhiễm đầu tiên được chính quyền công bố.
Dominic Dwyer, chuyên gia Australia và cũng là một thành viên nhóm điều tra của WHO, cho biết Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu thô về 174 trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên ở Vũ Hán, bao gồm thông tin chi tiết về các các ca bệnh. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ đưa ra bản tóm tắt.
Peter Ben Embarek, một thành viên khác trong phái đoàn WHO, sau đó cho biết họ đã tìm thấy 13 biến thể nCoV ở Vũ Hán trong đợt bùng phát cuối năm 2019, cho thấy quy mô dịch bệnh có thể lớn hơn báo cáo.
Anh, Mỹ từng bày tỏ lo ngại về cuộc điều tra Covid-19 của WHO, đặc biệt là về mức độ tiếp cận thông tin mà nhóm được phía Trung Quốc cung cấp. Đáp lại, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cáo buộc Washington "làm tổn hại sâu sắc hợp tác quốc tế trong ứng phó Covid-19, nhưng lại ra vẻ như chưa có gì xảy ra và đang đổ lỗi cho WHO, cùng các nước ủng hộ cơ quan này".
Ngọc Ánh (Theo WSJ/ Reuters)