Trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 22/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các giao kèo trực tiếp của một số nước giàu với các nhà sản xuất vaccine Covid-19 đồng nghĩa việc phân bổ vaccine theo thỏa thuận trước đó cho các nước nghèo hơn thông qua chương trình Covax sẽ bị giảm.
Theo Tedros, WHO có sẵn tiền để mua vaccine cho một số nước nghèo nhất nhờ đóng góp mới của Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Đức, nhưng sẽ vô giá trị nếu không có hàng để mua. Ông kêu gọi các nước giàu kiểm tra liệu giao dịch của họ với các công ty dược phẩm có đang làm suy yếu Covax, chương trình mà các nước nghèo hơn đang dựa vào khi họ chờ đợi những liều vaccine đầu tiên.
"Ngay cả khi bạn có tiền nhưng không thể dùng tiền để mua vaccine, thì việc có tiền cũng chẳng nghĩa lý gì", ông nói.
Chiến dịch ONE tuần trước cho biết các thành viên G7 cùng các nước khác của EU và Australia đã mua vượt gần 1,25 tỷ liều vaccine họ cần.
"Một số quốc gia thu nhập cao đang thực sự tiếp cận các nhà sản xuất để đảm bảo nhiều vaccine hơn, ảnh hưởng đến các hợp đồng với Covax, và thậm chí số tiền được phân bổ cho Covax bị giảm vì điều này", Tedros nói. "Chúng tôi chỉ có thể có vaccine gửi đến các nước thành viên Covax nếu các nước thu nhập cao tôn trọng thỏa thuận của Covax".
Đợt vaccine đầu tiên theo chương trình Covax sẽ được vận chuyển từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 6. Khoảng 145 nền kinh tế tham gia chương trình dự kiến nhận được 337,2 triệu liều, chỉ đủ để tiêm chủng cho hơn 3% dân số của họ. Covax cho biết họ hy vọng sẽ nâng con số này lên 27% vào cuối tháng 12.
Trước đó, Tedros kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa y tế liên quan đến Covid-19, động thái có thể tạo điều kiện cho việc chia sẻ kiến thức nhiều hơn và mở rộng nhanh chóng quy mô các địa điểm sản xuất vaccine. Tuy nhiên, ý tưởng này bị các ông lớn ngành dược phẩm phản đối kịch liệt.
Tedros cũng kêu gọi các công ty dược phẩm không sản xuất vaccine Covid-19 chuyển sang sản xuất vaccine cho các công ty khác, như Sanofi đã làm với Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, Tổng thống Đức Steinmeier cho biết ông không nghĩ việc từ bỏ bằng sáng chế hoặc giấy phép "sẽ là cách tiếp cận đúng đắn".
Huyền Lê (Theo AFP)