"Kết quả của cuộc tấn công pháo kích là một binh sĩ Ukraine bị thương do mảnh đạn găm vào và tử vong", chỉ huy liên quân ở miền đông Ukraine hôm nay cho biết, thêm rằng hai binh sĩ bị thương trong các cuộc pháo kích hôm qua.
Theo quân đội Ukraine, lực lượng ly khai đã sử dụng đạn cối 82 mm và 120 mm, vốn bị cấm theo các thỏa thuận ngừng bắn trước đó, và "nã đạn vào các trung tâm dân cư, đặt hệ thống pháo gần nhà dân".
"Bằng cách này, kẻ thù của chúng tôi đang cố buộc lực lượng vũ trang của chúng tôi bắn trả và sau đó đổ lỗi họ pháo kích vào dân thường", giới chức Ukraine cho hay, đồng thời cáo buộc Nga chỉ đạo các cuộc tấn công này.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quân đội Ukraine và lực lượng ly khai hôm nay cáo buộc nhau vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn. Quân chính phủ nói lực lượng ly khai 66 lần vi phạm lệnh ngừng bắn trong 24 giờ qua, trong khi phe ly khai ở Donetsk mô tả tình hình "nguy cấp". Phóng viên Reuters cho biết nhiều tiếng nổ được ghi nhận ở Donetsk trong hôm nay.
Vùng Donbass ở miền đông Ukraine bao gồm hai tỉnh ly khai là Donetsk và Lugansk. Gần 600 vụ nổ được ghi nhận vào sáng 18/2 tại Donbass, tăng 100 vụ so với một ngày trước đó, một số vụ nổ liên quan đến đạn pháo 152 mm, 122 mm và súng cối cỡ lớn. Xe tăng khai hỏa ít nhất 4 phát đạn pháo, nguồn tin cho biết.
Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) hôm nay ký sắc lệnh tổng động viên, kêu gọi người dân đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Trước đó, lãnh đạo hai khu vực này cũng thông báo bắt đầu đợt di tản dân thường quy mô lớn sang Nga vì cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sắp lệnh cho binh sĩ tấn công vào DPR, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói rằng nước này đang củng cố năng lực phòng thủ, song "không có ý định mở chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng ly khai ở miền đông hoặc bán đảo Crimea".
Tổng thống Ukraine đã lên đường tới Munich, Đức dự hội nghị an ninh thường niên, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt câu hỏi liệu có khôn ngoan khi rời Kiev trong tình hình hiện nay. Văn phòng của Zelensky khẳng định tình hình ở miền đông "vẫn được kiểm soát hoàn toàn".
Zelensky sẽ gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Nga không cử phái đoàn tham dự hội nghị năm nay.
Giao tranh tại khu vực Donbass gần đây gia tăng sau khi Ukraine nhận nhiều vũ khí từ Mỹ và các thành viên NATO. Số vũ khí này được chuyển tới trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới và lên kế hoạch tiến đánh Ukraine.
Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine.
Nga ngày 16/2 nêu ra 5 bước giải quyết xung đột ở Donbass, trong đó có buộc Ukraine tuân thủ thỏa thuận Minsk và dừng cung cấp vũ khí cho quốc gia Đông Âu này. Nga còn kêu gọi phương Tây rút cố vấn quân sự và dừng mọi cuộc diễn tập giữa Ukraine với NATO, sau đó thu hồi toàn bộ khí tài nước ngoài được chuyển tới đây.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Huyền Lê (Theo AFP)