Thứ sáu, 10/5/2019, 11:27 (GMT+7)

Vụ Mỹ oanh tạc sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư 20 năm trước

Năm 1999, Mỹ dội 5 quả bom xuống sứ quán Trung Quốc do lỗi bản đồ, khiến sinh viên ở Bắc Kinh phẫn nộ biểu tình, ném đá vào sứ quán Mỹ. 

Mặt sau của sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị ném bom năm 1999. Ảnh: Shutterstock.

Gần nửa đêm 7/5/1999, Vlada, kỹ sư người Serbia, phóng xe về phía căn hộ của mình ở Belgrade, thủ đô Cộng hòa Liên bang Nam Tư (thực thể chính trị tồn tại từ năm 1992 cho đến năm 2006, khi Montenegro và Serbia tuyên bố độc lập). Vlada và cậu con trai 20 tuổi ra ngoài vào tối hôm đó nhưng khi thấy những quả bom dội xuống và mất điện trên diện rộng, hai bố con tức tốc về nhà.

NATO, liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới, tiến hành chiến dịch không kích Nam Tư từ cuối tháng 3/1999 để cố gắng ngăn chặn hoạt động quân sự của lực lượng Tổng thống Slobodan Milosevic chống lại người Albania ở tỉnh Kosovo. Chiến dịch không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc và bị Trung Quốc và Nga phản đối quyết liệt.

Trong nhiều đêm, gia đình Vlada cùng những người khác trú ẩn trong tầng hầm tòa chung cư của họ khi còi báo động không kích vang lên. Họ cầu nguyện không tên lửa nào tấn công vào nhà họ.

Nhưng khi Vlada và con trai đến gần cửa kính tòa nhà của mình, máy bay chiến đấu tàng hình B-2 của Mỹ đang ở trên bầu trời Belgrade. Họ đã khóa mục tiêu theo tọa độ mà CIA cung cấp. Tất cả những gì Vlada nghe thấy là tiếng xé gió của tên lửa đang phóng tới. Không có thời gian để di chuyển. Những cánh cửa vỡ vụn.

"Uy lực của quả bom khiến chúng tôi bị hất tung lên khỏi mặt đất rồi rơi xuống. Vài quả khác tiếp tục rơi xuống - bùm bùm bùm", Vlada kể. Hai bố con sợ hãi nhưng không bị thương.

Tất cả 5 quả bom rơi vào đại sứ quán Trung Quốc, cách đó 100 m.

Vụ Mỹ oanh tạc sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư 20 năm trước
 
 
Khung cảnh đổ nát trong đại sứ quán Trung Quốc bị ném bom năm 1999. Video: AP.

Cách đó vài khu phố, doanh nhân Trung Quốc Shen Hong nhận được tin rằng đại sứ quán bị tấn công nhưng ông không tin đó là thật. Chỉ vài ngày trước, cha ông gọi điện từ Thượng Hải và nói đùa rằng Shen Hong nên để chiếc Mercedes mới của mình tại khu nhà ngoại giao để giữ an toàn.

Khi đến hiện trường, Shen Hong chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn: đại sứ quán bốc cháy, những nhân viên dính đầy máu và bụi trèo ra khỏi cửa sổ. Các chính trị gia thân cận với Milosevic - người hai tuần trước đó bị tòa án quốc tế buộc tội thực hiện tội ác chống lại loài người - cũng đến hiện trường để lên án vụ đánh bom là "minh chứng cho thấy sự dã man của NATO".

"Chúng tôi không thể vào bên trong. Có rất nhiều khói, không có điện và chúng tôi không thể nhìn thấy gì. Thật kinh khủng", Shen kể lại.

Doanh nhân Trung Quốc Shen Hong. Ảnh: BBC.

Ngày hôm sau, Shen nhận được tin ba người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom, trong đó có hai bạn thân của Shen là hai nhà báo mới kết hôn Hứa Hạnh Hổ, 31 tuổi và Chu Dĩnh, 27 tuổi. Thi thể được tìm thấy dưới một bức tường đổ. Hai người làm việc cho báo đảng Trung Quốc Guangming Daily.

Hứa nói tiếng Serbia trôi chảy và đã ghi lại cuộc sống ở Belgrade trong một loạt phóng sự "Sống dưới tiếng súng". Chu Dĩnh là biên tập viên mỹ thuật trong bộ phận quảng cáo của tờ báo. Mẹ của Chu ngất đi khi nghe tin con gái qua đời nên bố cô một mình đến Belgrade để nhận thi thể.

Nạn nhân thiệt mạng còn lại là nhà báo Thiệu Vân Hoàng, 48 tuổi, thuộc hãng thông tấn Xinhua. Vụ đánh bom còn khiến 20 người bị thương.

Đối với Shen, đây là hành động chiến tranh. Ngày hôm sau, ông dẫn đầu một cuộc biểu tình trên đường phố ở Belgrade, mang theo tấm biển ghi dòng chữ: "NATO: Tổ chức khủng bố của phát xít Mỹ".

(Từ trái sang) Thiệu Vân Hoàng, Hứa Hạnh Hổ và Chu Dĩnh, ba nhà báo thiệt mạng trong vụ đánh bom. Ảnh: Reuters.

Ngay sau vụ đánh bom, Mỹ và NATO thông báo rằng đây là một tai nạn. Tuy nhiên, đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc tố cáo đây là "tội ác chiến tranh" và là "hành động dã man".

Tại Bỉ, phát ngôn viên của NATO Jamie Shea bị đánh thức vào nửa đêm và được thông báo rằng ông sẽ phải đối mặt với báo chí thế giới vào buổi sáng. Có rất ít thông tin trong những giờ đầu sau khi vụ đánh bom xảy ra. Shea nói trong cuộc họp báo rằng máy bay "đã tấn công nhầm tòa nhà".

Hơn một tháng sau, Washington mới đưa ra lời giải thích đầy đủ cho Bắc Kinh: một loạt lỗi cơ bản đã dẫn đến việc 5 quả bom dẫn đường bằng GPS tấn công vào đại sứ quán Trung Quốc, trong đó có một quả bom rơi vào nơi ở của đại sứ nhưng không phát nổ.

Các quan chức Mỹ cho biết mục tiêu thực sự là trụ sở Cục Cung ứng và Mua sắm Liên bang Nam Tư (FDSP) - cơ quan nhà nước nhập khẩu và xuất khẩu thiết bị quốc phòng. Tòa nhà văn phòng màu xám này vẫn còn cho đến ngày nay, cách đại sứ quán Trung Quốc vài trăm mét.

Khi phát động chiến dịch không kích Nam Tư, NATO cho rằng chỉ sau vài ngày Milosevic sẽ rút quân khỏi Kosovo và cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào nước. Tuy nhiên, vào thời điểm đại sứ quán Trung Quốc bị tấn công, chiến dịch đã kéo dài hơn 6 tuần. Khi Mỹ cố gắng tìm kiếm hàng trăm mục tiêu mới để không kích, CIA quyết định FDSP nên bị tấn công dù họ vốn không phải là bên thường chọn mục tiêu.

CIA đã sử dụng bản đồ sai.

"Một trong những chiếc máy bay của chúng tôi tấn công sai mục tiêu vì chỉ dẫn ném bom dựa trên bản đồ đã lỗi thời", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen cho biết. Ông đề cập đến một bản đồ của chính phủ Mỹ dường như không hiển thị vị trí chính xác của đại sứ quán Trung Quốc và FDSP.

Tất cả sĩ quan tình báo Mỹ đều có địa chỉ của FDSP: số 2 phố Bulevar Umetnosti và một kỹ thuật điều hướng quân sự cơ bản đã được sử dụng để ước tính tọa độ của nó. Giám đốc CIA George Tenet cho biết kỹ thuật này không chính xác và lẽ ra không nên được dùng với mục tiêu ném bom từ trên không.

Không chỉ vậy, cơ sở dữ liệu tình báo và quân sự được sử dụng để kiểm tra chéo không hiển thị vị trí của đại sứ quán, mặc dù thực tế nhiều nhà ngoại giao Mỹ từng đến tòa nhà này.

Mặt tiền sứ quán Trung Quốc không bị hư hại nhiều sau vụ ném bom năm 1999. Ảnh: Shutterstock.

Lời giải thích của CIA khiến nhiều người nghi ngờ: quân đội tiên tiến nhất thế giới ném bom vào cơ sở của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một trong những bên phản đối mạnh mẽ nhất chiến dịch không kích của NATO vì lỗi bản đồ. Trung Quốc không tin vào lời giải thích này, nói rằng nó "không thuyết phục".

"Chính phủ và người dân Trung Quốc không thể chấp nhận kết luận rằng vụ đánh bom là một sai sót", Ngoại trưởng Trung Quốc nói với đặc phái viên Mỹ được cử đến Bắc Kinh vào tháng 6/1999 để giải thích những gì đã xảy ra.

Ngày 8/5/1999, một ngày sau vụ đánh bom, nhà ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh David Rank nhận được một loạt cuộc gọi từ những người bạn Trung Quốc bày tỏ sự tức giận. Các nhà báo Mỹ cũng nhận được cuộc gọi từ những người Trung Quốc vốn có quan điểm thân Mỹ. Họ nói rằng họ bị sốc và cảm thấy bị phản bội.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế. "Những người Trung Quốc liên lạc với tôi đều nói giống nhau, họ vô cùng phẫn nộ", Rank kể.

Người biểu tình ném sơn vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh năm 1999. Ảnh: Reuters.

Chiều hôm đó, hàng nghìn sinh viên đổ ra đường phố Bắc Kinh, tập trung bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc và mọi thứ nhanh chóng trở thành bạo lực. "Họ cậy những viên gạch và cục bê tông từ vỉa hè rồi ném chúng vào tường sứ quán". Hơn một chục nhân viên đại sứ quán, bao gồm cả Đại sứ Mỹ James Sasser có mặt trong tòa nhà vào thời điểm đó. Các xe của đại sứ quán bị phá hoại.

Thông điệp của người Trung Quốc rất rõ ràng: vụ đánh bom này là có chủ ý, "nợ máu của người Trung Quốc phải được trả bằng máu". Các cuộc biểu tình tiếp tục vào ngày hôm sau. Khoảng 100.000 người xông vào khu ngoại giao, ném đá, sơn, trứng và các cục bê tông vào các đại sứ quán Anh và Mỹ.

"Chúng tôi cảm thấy như là con tin", Bill Palmer, phát ngôn viên của đại sứ quán bị mắc kẹt trong tòa nhà, nói.

Sinh viên Trung Quốc ném đá vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh năm 1999. Ảnh: AP.

Đám đông cũng xuống đường ở Thượng Hải và các thành phố khác vào cuối tuần để biểu tình. Ở trung tâm Thành Đô, nơi ở của lãnh sự Mỹ bị phóng hỏa.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Hồ Cẩm Đào, khi đó giữ chức Phó chủ tịch Trung Quốc, ủng hộ việc biểu tình nhưng cảnh báo họ phải tuân thủ luật pháp.

Tổng thống Bill Clinton và Bộ Ngoại giao Mỹ gửi lời xin lỗi đến Bắc Kinh nhưng ban đầu những tuyên bố đó không được phát sóng trên truyền hình nhà nước Trung Quốc. Các cuộc biểu tình tiếp tục trong 4 ngày cho đến khi chính phủ Trung Quốc kêu gọi dừng lại và phát lời xin lỗi của Clinton trên truyền hình. Lãnh đạo hai quốc gia điện đàm vào ngày 14/7/1999.

Trung Quốc nhận được 28 triệu USD bồi thường từ Mỹ nhưng phải trả lại gần ba triệu USD vì thiệt hại đối với tài sản ngoại giao của Mỹ ở Bắc Kinh và các nơi khác. Mỹ còn bồi thường 4,5 triệu USD cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng và người bị thương.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc James Sasser nhìn qua một cánh cửa bị phá hoại bởi người biểu tình Trung Quốc năm 1999. Ảnh: Reuters.

Vào ngày vụ đánh bom xảy ra, học giả Nam Tư Dusan Janjic ăn trưa tại một nhà hàng cao cấp ở trung tâm Belgrade với một người đàn ông mà ông coi là bạn tốt, Nhậm Bảo Khải, tùy viên quân sự tại đại sứ quán Trung Quốc.

Janjic nói rằng ông Nhậm rất cởi mở khi kể với ông về việc Trung Quốc do thám các hoạt động của NATO, Mỹ và theo dõi các máy bay chiến đấu từ sứ quán. Tùy viên mời ông đến ăn tối tại đại sứ quán vì biết rằng Janjic thích đồ ăn Trung Quốc.

"Tôi nói đùa: 'Thôi đi, các anh sẽ bị đánh bom! Tôi không đến đâu!", Janjic kể. Thực tế, ông không tưởng tượng được rằng đại sứ quán sẽ bị tấn công.

5 tháng sau vụ oanh tạc, nhà báo John Sweeney của báo Anh Observer và Jens Holsoe từ tờ Politiken của Đan Mạch cho rằng các hoạt động được giám sát bởi tùy viên quân sự Trung Quốc có thể đã khiến Mỹ cố tình ném bom.

Trích dẫn các nguồn tin NATO, hai nhà báo cáo buộc đại sứ quán Trung Quốc được sử dụng làm trạm tiếp sóng để quân đội Nam Tư truyền thông tin liên lạc. Do đó, sứ quán đã bị xóa khỏi danh sách mục tiêu bị cấm tấn công. Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright bác bỏ cáo buộc, gọi nó là "nhảm nhí", trong khi Ngoại trưởng Anh Robin Cook nói rằng "không có bằng chứng nào" để chứng minh điều này.

Hai thập niên sau, Holsoe và John Sweeney vẫn giữ quan điểm vụ đánh bom là có chủ ý.

Holsoe cho biết điều thôi thúc ông điều tra là Giám đốc CIA George Tenet nói rằng ảnh vệ tinh không cho thấy mục tiêu là một đại sứ quán - "không cờ, không quốc huy, không có dấu hiệu rõ ràng" nhưng thực tế là chúng đều hiện hữu.

Một nguồn tin của Holsoe là quan chức quân sự cao cấp Đan Mạch đã định xác nhận công khai rằng vụ đánh bom là có chủ ý. "Nhưng sau đó, ông ấy đột ngột rút lui và cho biết nếu ông ấy nói thêm một lời với tôi về chuyện này, ông ấy không chỉ có nguy cơ bị sa thải mà còn bị truy tố", Holsoe kể.

Holsoe nói rằng rõ ràng vào thời điểm đó, có hợp tác quân sự giữa lực lượng chính phủ Nam Tư và Trung Quốc. Bản thân ông đã nhìn thấy các phương tiện quân sự đi vào và rời khỏi sứ quán Trung Quốc. Các quan chức Mỹ nói với New York Times rằng sau vụ đánh bom, họ biết rằng đại sứ quán này là nền tảng thu thập thông tin tình báo quan trọng nhất của Trung Quốc ở châu Âu.

Tùy viên quân sự Nhậm Bảo Khải sau này được phong cấp tướng. Ông từ chối trả lời phỏng vấn, nói rằng ông đã nghỉ hưu.

Sứ quán Trung Quốc bị nghi đồng ý tiếp sóng liên lạc cho chính phủ Nam Tư để đổi lại, Trung Quốc được trao một phần máy bay chiến đấu tàng hình F-117 Mỹ bị bắn hạ. Một số người cho rằng Bắc Kinh muốn có các mảnh máy bay để nghiên cứu công nghệ và tranh thủ chiến dịch không kích của NATO để thử nghiệm công nghệ theo dõi máy bay ném bom tàng hình.

Đại sứ Trung Quốc tại Nam Tư Phan Chiêm Lâm bác bỏ những cáo buộc này.

Nhưng ngay cả khi những cáo buộc trên là đúng, câu hỏi được đặt ra là liệu Mỹ có mạo hiểm, cố tình đánh bom đại sứ quán Trung Quốc?

Những người Nam Tư cũ cũng không có quan điểm thống nhất. Một cựu sĩ quan tình báo quân đội Nam Tư nói rằng ông tin vụ đánh bom là có chủ ý và lời giải thích của CIA là lố bịch. Trong khi đó, một đại tá về hưu tin lời giải thích của Mỹ.

"Khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra, mọi người đều nghĩ rằng phải có một lý do bí mật nào đó. Không phải là một sai sót mà phải là một âm mưu", cựu phát ngôn viên NATO Jamie Shea nói. "Cách lập luận đó hoàn toàn ngớ ngẩn, nguyên nhân sự cố chỉ là lỗi đọc bản đồ và là một lỗi rất tệ".

Tấm bảng giới thiệu đại sứ quán cũ sẽ được biến thành một trong những trung tâm văn hóa Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu. Ảnh: BBC.

20 năm sau vụ đánh bom, Shen Hong vẫn thường quay lại địa điểm của đại sứ quán để tưởng nhớ những người bạn.

Không phải chỉ mỗi ông đến đó. Xe buýt chở du khách Trung Quốc tới đây mỗi ngày để họ ngắm nhìn đài tưởng niệm và bức tượng của nhà hiền triết Trung Quốc. Hướng dẫn viên Yang cho biết đây là điểm tham quan mà du khách Trung Quốc nào cũng biết. "Đại sứ quán của chúng tôi đã bị phá hủy bởi người Mỹ. Mọi người Trung Quốc đều biết điều này", ông nói.

Năm 1999, Trung Quốc chưa phải là cường quốc kinh tế, công nghệ và quân sự như bây giờ. Nhưng 20 năm sau, nước này biết rằng họ có tiềm lực để sánh ngang với Mỹ và tham vọng của họ trên khắp thế giới phản ánh điều đó.

Đại sứ quán bị đánh bom đang được biến thành một trong những trung tâm văn hóa Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu. Động thái này mang tính biểu tượng: một địa điểm từng là bi kịch dưới bàn tay của phương Tây được tái sinh thành trung tâm giới thiệu về lịch sử Trung Quốc.

Đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không bao giờ quên đi vụ đánh bom. Các nhà ngoại giao từng làm việc ở Bắc Kinh nói rằng sự cố vẫn thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc thảo luận.

Du khách Trung Quốc đến thăm địa điểm từng là đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư. Ảnh: BBC.

Nhưng ngay cả những người từng kêu gọi Bắc Kinh trả đũa ngay lập tức vào năm 1999 giờ cũng nhận ra thật may mắn khi phản ứng của Trung Quốc không vượt khỏi tầm kiểm soát. Không có người Mỹ nào bị giết trong các cuộc biểu tình.

"Chúng tôi là quốc gia phát triển nhanh nhất, mỗi năm nền kinh tế lại tăng trưởng hai con số. Nếu thời đó sự phát triển bị chững lại vì chiến tranh thì chúng tôi đã mất rất nhiều", Shen nói.

Phương Vũ (Theo BBC)