Mặc dù các chuyên gia cho rằng rất khó để tính toán được chi phí chính xác mà Triều Tiên dành cho chương trình vũ khí hạt nhân nhưng theo phân tích của chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên đã chi tổng cộng khoảng 1,1-3,2 tỷ USD cho chương trình này.
Các loại vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên thử nghiệm cho đến nay tương đối nhỏ và chủ yếu dựa vào công nghệ phân hạch ít tinh vi. Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch tân tiến, có sức hủy diệt lớn hơn cả bom nguyên tử. Tuyên bố này bị nghi ngờ nhưng các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn có khả năng nâng cấp bom nguyên tử thành bom nhiệt hạch.
Năm 2011, Triều Tiên nằm chót bảng về mức chi tiêu cho nghiên cứu vũ khí hạt nhân, trong số các nước có hoặc đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, theo thống kê của Global Zero, một tổ chức vận động loại bỏ vũ khí loại này.
Tổng chi phí mà Bình Nhưỡng dành cho chương trình vũ khí hạt nhân vào năm đó được ước tính là khoảng 700 triệu USD, thấp hơn mức 2,2 tỷ USD của Pakistan. Đứng đầu danh sách là Mỹ với tổng chi tiêu lên đến 61,3 tỷ USD vào năm 2011.
Một cựu quan chức Hàn Quốc từng đàm phán về hạt nhân với Triều Tiên cho biết có khả năng Triều Tiên đã cắt giảm khoản chi cho vấn đề an toàn, để làm giảm tổng chi phí.
Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết chi phí xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon ở tỉnh Bắc Bình Nhưỡng, cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên, vào khoảng 600-700 triệu USD.
Lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon, được xây dựng vào năm 1979 dựa vào công nghệ của Liên Xô, có công suất chỉ khoảng 5 megawatt.
Ông Kim Min-gyu, một cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên, từng làm việc ở đại sứ quán của nước này ở Moscow cho đến khi đào tẩu năm 2009, cho biết: "Thực sự, số tiền họ bỏ ra không nhiều đến mức đó. Lực lượng lao động của họ làm việc không công. Ngoại trừ một số ít linh kiện quan trọng phải nhập khẩu, họ tự chế tạo mọi thứ".
Ngoại tệ
Đối với một đất nước có GDP năm 2014 khoảng 28,4 tỷ USD, để có tiền mua các linh kiện để lắp ráp ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon là chuyện không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, Triều Tiên được cho là xoay xở bằng nhiều nguồn để kiếm ngoại tệ, bao gồm bán linh kiện tên lửa cho các nước Trung Đông và xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Triều Tiên đã cho phép một nền kinh tế thị trường không chính thức tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Thương mại tư nhân trở nên phổ biến sau nạn đói nghiêm trọng vào những năm 1990 - qua đó giúp nhà nước có nguồn thu ngoại tệ mới.
Các chuyên gia cho biết nền kinh tế không chính thức này phát triển song hành với nền kinh tế chính thức và đã mang lại nhiều của cải đến mức sau mỗi lần thử hạt nhân, các thương gia giàu có hay còn gọi là "donju" bị nhà nước đánh thuế "bất thình lình" để có nguồn tài chính cho chương trình hạt nhân, Reuters trích dẫn một báo cáo.
Ngoài ra, năm ngoái, Triều Tiên xuất khẩu khoáng sản trị giá hơn một tỷ USD, chủ yếu là than sang Trung Quốc, theo tính toán của Reuters, dựa trên số liệu từ Trung Quốc.
Mặc dù bị áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, Triều Tiên vẫn bán được vũ khí nhỏ cho các khách hàng bị hạn chế nguồn cung, theo một báo cáo của chuyên gia Andrea Berger ở viện RUSI, có trụ sở tại London.
Trung tâm Dữ liệu nhân quyền Triều Tiên ở Seoul, cho biết Bình Nhưỡng thu được 200-300 triệu USD mỗi năm nhờ xuất khẩu lao động, đến một số nước như Ba Lan và Mông Cổ.
Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên Kim Min-gyu cho biết lương của người lao động được chuyển về nước thường được sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế chứ không phải đầu tư vào chương trình hạt nhân.
Trong khi đó, Christopher Green, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Leiden, Hà Lan lại nghĩ khác. "Vì tiền có thể dễ dàng trao đổi, bạn không thể tách biệt các giao dịch để phát triển bom với những khoản thanh toán cho các căn hộ ở Bình Nhưỡng", ông nói.
Xem thêm: Vì sao không thể xem nhẹ sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên
Hồng Vân