Theo CSM, tuyên bố thử bom nhiệt hạch hôm 6/1 của Triều Tiên - cho dù cường độ và bản chất của thiết bị nổ thực sự được sử dụng là gì - là lời nhắc nhở mới nhất rằng chính quyền Bình Nhưỡng đang tiếp tục phớt lờ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn tham vọng nguyên tử của nước này. Đồng thời, nó cũng cho thấy, không thể phủ nhận khả năng nước này trở thành quốc gia sở hữu năng lực hạt nhân, bất chấp những khó khăn trong tiếp cận công nghệ.
Sự đối lập là rất rõ ràng. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như xem vũ khí hạt nhân là công cụ đảm bảo cho sự tồn vong của chính quyền. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới, có lẽ còn bao gồm cả đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc, lại xem đó như trở lực, đang kéo lùi người dân nước này vào cô lập và nghèo đói.
Xét về mặt phát triển hạt nhân, hiện chưa hoàn toàn rõ loại thiết bị hạt nhân nào đã được Triều Tiên kích nổ tại khu thử nghiệm Punggye-ri. Bình Nhưỡng khẳng định đó là một quả bom nhiệt hạch, trong khi hầu hết các chuyên gia phương Tây lại hoài nghi. Cường độ của vụ nổ không thích hợp với cường độ của một vụ thử bom nhiệt hạch thành công.
Các phân tích dữ liệu ban đầu của chính phủ Mỹ cho thấy vụ thử "không phù hợp" với một quả bom nhiệt hạch, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết.
Với Mỹ, "bom nhiệt hạch" có nghĩa là một loại vũ khí phân hạch và tổng hợp hạt nhân hai giai đoạn, được phát triển bởi các cường quốc hạt nhân. Loại vũ khí này khó phát triển và sản xuất, nhưng có thể tạo ra uy lực hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kiloton.
Triều Tiên đã không tạo ra một vụ nổ như vậy, hoặc nếu có thì đó là một vụ thử thất bại, David Albright, chuyên gia hạt nhân và là nhà sáng lập Viện Khoa học và An ninh Quốc tế nhận định.
Có khả năng Bình Nhưỡng chỉ đang "tung đòn gió", còn thực chất chỉ sử dụng một thiết bị tương tự như đã từng thử nghiệm trước đây. Ngoài ra cũng có thể nước này đã thử thiết bị nhiệt hạch một giai đoạn, hay còn gọi là một quả bom được tăng cường uy lực.
Bom tăng cường dù có thể mạnh hơn những thiết bị Triều Tiên từng thử nghiệm, vẫn có sức công phá thấp hơn một quả bom nhiệt hạch đúng nghĩa. "Với phương pháp này, sức công phá có thể được tăng thêm nhiều lần", David Albright viết trong một phân tích kỹ thuật về vụ thử vừa qua của Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), Triều Tiên được tin là sở hữu từ 6 - 8 đầu đạn phân hạch sử dụng nhiên liệu plutonium. Ngoài ra, nước này cũng đã triển khai chương trình làm giàu uranium. Nếu Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ sản xuất uranium cấp độ vũ khí, họ có thể có đủ nhiên liệu phân hạch để sản xuất thêm 4 - 8 đầu đạn nữa.
Triều Tiên ngoài ra cũng đang phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa, cho dù kết quả thử nghiệm không hoàn toàn thành công. Gần đây nhất, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, với vụ phóng tên lửa KN-11 hồi tháng 11. "Vụ thử được giới chuyên gia xem như thất bại, bởi tên lửa đã không thể rời khỏi mặt nước", báo cáo của ACA có đoạn viết.
Tuy vậy, một vụ nổ thiết bị hạt nhân, nhất là một thiết bị được tăng cường, vẫn sẽ là một thảm kịch chưa từng có kể từ Thế chiến II, và có thể phá hủy trung tâm một thành phố.
Và đôi khi, một quốc gia hạt nhân đang phát triển có thể còn nguy hiểm hơn một cường quốc hạt nhân hiện hữu, bởi sự lo lắng của họ về an ninh hoặc sức mạnh còn hạn chế của kho vũ khí, có thể khiến các nhà lãnh đạo những quốc gia này đặt vũ khí hạt nhân trong tình trạng sẵn sàng kích hoạt.
"Những quốc gia hạt nhân nhỏ với khả năng hạn chế có thể đẩy một cường quốc hạt nhân hiện hữu vào tình thế rủi ro hơn nhiều so với các cường quốc hạt nhân khác", Anthony Cordesman, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nhận định trong một nghiên cứu mới đây về ý đồ hạt nhân của Triều Tiên.
Vậy thế giới cần phản ứng ra sao? Các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các lệnh trừng phạt quốc tế đã không thể tạo ra hiệu quả mong muốn. Vấn đề lúc này là liệu Mỹ, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc có thể đồng thuận về những hành động mạnh hơn, đủ để khiến Bình Nhưỡng bị tổn thương và thực sự thay đổi hành vi.
"Trong tương lai, mục tiêu phải là hình thành một liên minh quốc tế rộng lớn nhất có thể", Jonathan Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á, Viện Brookings, nhận định. "Liên minh này phải bắt đầu với việc có chung nhận thức rằng sự phát triển và đa dạng hóa chương trình vũ khí của Triều Tiên là mối đe dọa chung, không chỉ với một quốc gia riêng lẻ nào".
Xem thêm: Máy bay đánh hơi phóng xạ - thám tử dò bom nhiệt hạch Triều Tiên
Hoàng Nguyên