Trong bức ảnh Thomas Hoepker chụp ngày 11/9/2001, một nhóm người dân New York ngồi trò chuyện dưới ánh mặt trời trong một công viên ở Brooklyn. Đằng sau họ, bên kia làn nước xanh là đám khói khủng khiếp bốc lên từ hai tòa tháp bị khủng bố.
Theo The Guardian, Hoepker không công bố bức ảnh vào năm 2001 và cũng không đăng nó trong cuốn sách ảnh về thảm kịch này. Đến năm 2006, nó mới được công bố và ngay lập tức gây tranh cãi.
Nhà phê bình Frank Rich viết trên New York Times rằng điều ông thấy từ bức ảnh này là Mỹ không rút được bài học sâu sắc nào từ ngày bi thảm này để thay đổi hoặc cải cách. "Những thanh niên trong bức ảnh của ông Hoepker chưa hẳn đã nhẫn tâm. Họ chỉ đơn giản là người Mỹ".
Cách nhìn của Rich về bức ảnh ngay lập tức bị phản biện. Walter Sipser, xác nhận mình là người đàn ông đeo kính râm ngồi bên phải trong ảnh, cho biết ông và bạn gái thực tế vào thời điểm đó "đang rất sốc và không thể tin vào mắt mình". Cả hai người đều phàn nàn rằng Hoepker đã chụp ảnh họ mà không xin phép và bức ảnh không thể hiện đúng cảm xúc và hành vi của họ.
Một số ý kiến sau này không còn tập trung vào việc đánh giá cá nhân trong bức ảnh, mà công nhận nó đã trở thành hình ảnh biểu tượng về lịch sử, về ký ức. Nó lưu giữ sự thật của tất cả khoảnh khắc lịch sử: dù có một trận chiến hay một vụ khủng bố đang diễn ra gần đó thì cuộc sống vẫn cứ tiếp tục.
Người đàn ông rơi
Bức ảnh Người đàn ông rơi của Richard Drew (cân nhắc trước khi xem)
Bức ảnh do phóng viên AP Richard Drew chụp ghi lại khoảnh khắc một người đàn ông rơi xuống từ tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9.
Bức ảnh tạo ấn tượng rằng người đàn ông đang rơi thẳng xuống dưới, tuy nhiên, một loạt bức ảnh khác ông cho thấy ông ấy rơi lộn nhào trong không trung.
Bức ảnh này lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí thế giới vào ngày 12/9/2001 và nhận được rất nhiều chỉ trích rằng nó quá khủng khiếp, quá trực diện, khiến độc giả khó chịu.
Danh tính của người đàn ông rơi chưa bao giờ được xác nhận chính thức. Thực tế là có rất nhiều người mắc kẹt trong tòa tháp và việc xác định danh tính rất khó khăn. Ước tính có khoảng 200 người đã nhảy xuống từ tòa tháp trong vụ khủng bố.
Phóng viên The Globe and Mail, Peter Cheney, cho rằng người đàn ông có thể là Norberto Hernandez, một người gốc Latin, nhưng khi gia đình Hernandez xem xét kỹ chuỗi ảnh, họ cho rằng đây không phải là thân nhân của họ.
Năm 2003, nhà báo Mỹ Tom Junod trên tạp chí Esquire cho rằng người đàn ông rơi có thể là Jonathan Briley, nhân viên 43 tuổi của nhà hàng trên tầng 106 ở tháp Bắc. Nếu người này thực sự là Briley, thì có thể ông đã vô tình rơi từ nhà hàng khi tìm kiếm không khí hoặc đã quyết định nhảy. Briley bị bệnh hen và có thể đã nhận ra ông ấy gặp nguy hiểm ngay khi khói bắt đầu tỏa vào nhà hàng.
Về ý nghĩa xã hội và văn hóa của bức ảnh, nhà thần học Mark D. Thompson nói rằng "có lẽ hình ảnh mạnh mẽ nhất về sự tuyệt vọng vào đầu thế kỷ 21 không được tìm thấy trong nghệ thuật, văn học, hoặc thậm chí trong nhạc pop. Nó được tìm thấy trong một bức ảnh duy nhất".
Xem thêm: Vụ khủng bố 11/9 diễn ra như thế nào
Phương Vũ