
Robbie Pycior tại khu tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới. Ảnh: Yahoo
Với hơn 3.000 đứa trẻ mất bố mẹ, sự kiện vào ngày 11/9/2001 mãi mãi tác động đến cuộc sống của họ.
Robbie Pycior, 22 tuổi là một nhân viên cứu hỏa đang học để lấy bằng thạc sĩ. Cha anh là một sĩ quan hải quân thiệt mạng tại Lầu Năm Góc 14 năm trước.
"Là người thân của nạn nhân 11/9, tôi có kinh nghiệm vô giá với công việc tôi đang làm. Nhưng mặt khác, nếu bạn bè giới thiệu tôi với một người nào đó, tôi có muốn họ nói rằng 'đây là Robbie, cha cậu ấy thiệt mạng trong một cuộc tấn công khủng bố' hay không'? Không, tôi không muốn như vậy".
Kể từ sau thảm kịch, Pycior đã chuẩn bị tinh thần tốt hơn để đối mặt với nỗi đau của chính mình và giúp đỡ những người khác có tổn thương tương tự. "Tôi từng không dám đối mặt với sự mất mát của mình trong nhiều năm. Chúng tôi đến các cuộc tư vấn tâm lý, tôi sẽ tỏ ra thân thiện với nhân viên tư vấn, nhưng sau đó, tôi sẽ ngồi vào một góc và nhìn chằm chằm vào bức tường", anh nói.
"Khi lớn lên, tôi quyết định tham gia giúp đỡ người khác. Tôi cho rằng giúp người khác cũng là giúp chính mình, vì vậy, trong những năm qua, tôi đã cố biến mất mát này từ tiêu cực thành tích cực", anh nói. Pycior hy vọng sẽ theo đuổi sự nghiệp trong quân đội hoặc làm nhân viên cứu hộ khẩn cấp hay kiểm soát căng thẳng. Anh đang làm việc trong một chương trình tập hợp thanh thiếu niên từ khắp thế giới mất thành viên gia đình vì khủng bố.
Xem thêm: 'Quý cô phủ bụi' và cuộc sống ám ảnh bởi bóng ma 11/9
Đối với Joey Graziano, 31 tuổi, ký ức về những chuyện xảy ra quanh ngày 11/9 là nguồn động thực thôi thúc anh hàng ngày. Cha của anh, Joe Sr., là người sống sót duy nhất trong một đội cứu hỏa của New York.

Joey Graziano (hàng sau, trung tâm) đứng bên cạnh cha mình (hàng sau, phải). Ảnh: Facebook
"Lúc đó, ông ấy ở trong tháp Bắc. Cha tôi ra khỏi tòa nhà trước những thành viên khác trong đội vì ông đang đưa một người lớn tuổi bị đau tim ra ngoài. Khi cha tôi vừa ra khỏi, tòa tháp đổ sập xuống sau lưng", Graziano nói.
"Theo tôi biết, cha tôi là người cuối cùng sống sót rời khỏi Tòa tháp Đôi, nhưng ông đã bị tổn thương nghiêm trọng phẩn cổ, lưng, phổi và phải bỏ việc từ đó".
Graziano là con cả trong nhà, và là một học sinh trung học vào năm 2001. Đêm trước ngày xảy ra vụ khủng bố, anh cãi nhau với cha mình về việc học đại học. Lời cuối cùng anh nói với cha ngày 10/9 là "cha không học đại học, làm sao cha hiểu được. Con rất ghét cha".
Mỗi ngày, Graziano đều nhớ lại cuộc cãi vã đó, và cảm thấy mình thật may mắn khi có cơ hội xin lỗi cha mình. "Tôi biết rằng ở đâu đó cũng có một chàng trai 17 tuổi nói vậy với bố mình vào ngày 11/9, vì đó là điều ngu ngốc mà một cậu nhóc 17 tuổi thường làm. Bố của anh ta có thể đã không sống sót trở về còn bố tôi thì có", anh nói. "Bởi vì may mắn đó, tôi cảm thấy tôi có trách nhiệm hoàn thiện bản thân và giúp đỡ những người khác".
Và Graziano đã hoàn thành trách nhiệm đó. Với sự giúp đỡ tài chính từ quỹ học bổng dành cho thân nhân người thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ 11/9, anh đã có bằng cử nhân luật tại Đại học Georgetown, và hiện là trưởng tư vấn và giám đốc bộ phận tại Headfirst Camps, nhà cung cấp trại hè lớn cho trẻ em 3-12 tuổi.
Hai em trai của Graziano làm bác sĩ và nhân viên cấp cứu, em gái anh là trợ lý bác sĩ. "Cha tôi nghĩ rằng các con là thành tựu lớn của đời ông. Đối với một người chỉ tốt nghiệp trung học, ông đã cho 4 đứa con vào đại học, đó là giấc mơ của ông", anh nói.
"Nhưng đối với tôi, không có gì điều gì ý nghĩa hơn việc là con trai của một nhân viên cứu hỏa New York". Graziano nói. "Tôi nghĩ về cha tôi và những người thiệt mạng trong vụ 9/11, và trách nhiệm tôi với cậu nhóc 17 tuổi không kịp xin lỗi bố. Tôi sẽ bị nguyền rủa nếu không nỗ lực hết sức để tận dụng những cơ hội mà tôi có".
Pycior và Graziano đã biến mình từ nạn nhân thành anh hùng, biến sự kiện bi thảm 14 năm trước thành động lực thúc đẩy họ đến với điều tươi đẹp. "Vụ 11/9 không phải là thảm kịch duy nhất từng xảy ra, nhiều người đã trải qua những điều khủng khiếp", Graziano nói.
"Nhưng khi thức dậy mỗi ngày, tôi luôn nghĩ về nó, đặc biệt là khi tôi mệt mỏi và không muốn cố gắng làm việc. Đó là điều tôi nghĩ về khi muốn tạo động lực cho mình để thay đổi cuộc sống của mọi người".
Phương Vũ (theo Yahoo)