Sáng 8/6, Lữ đoàn cơ giới số 33 và Lữ đoàn xung kích số 47 của quân đội Ukraine tập hợp nhiều xe tăng chủ lực Leopard 2 cùng xe chiến đấu bộ binh Bradley để mở đợt tiến công quy mô lớn nhằm vào phòng tuyến Nga gần làng Malaya Tokmachka thuộc tỉnh Zaporizhzhia.
Để áp sát chiến hào của Nga, hai lữ đoàn Ukraine phải vượt qua bãi mìn dày đặc. Các chỉ huy Ukraine biết rõ điều này và đã triển khai ít nhất một xe quét mìn BMR-2 cùng một xe phá mìn Leopard 2R, với hy vọng tạo lối mở an toàn cho một đại đội thiết giáp M2A2 Bradley thuộc Lữ đoàn 47 cùng một số xe tăng Leopard 2A6 của Lữ đoàn 33 tiến lên.
Tuy nhiên, hàng loạt yếu tố ngoài dự tính xuất hiện khi các xe quét mìn bắt đầu xung phong. Lực lượng công binh Ukraine mở đường thất bại vì bãi mìn quá dày, khiến ít nhất một chiếc xe tăng Leopard 2A6, một xe quét mìn BMR-2 và 9 xe chiến đấu M2A2 Bradley bị kẹt lại trên khoảng đồng trống.
Trực thăng vũ trang và pháo binh Nga lập tức nã dồn dập vào đội hình xe tăng, thiết giáp Ukraine đang gần như đứng im tại chỗ. Chỉ trong thời gian ngắn, xe tăng Leopard 2A6 và loạt thiết giáp bị phá hủy do tên lửa phóng từ trực thăng Ka-52 và các loại đạn pháo.
Đợt tiến công gần làng Malaya Tokmachka nhằm đột phá phòng tuyến Nga ngày 8/6 không thành công và là bước lùi lớn với Ukraine.
Các đồng minh Ukraine tới nay chỉ cam kết chuyển giao 21 chiếc Leopard 2A6, biến thể hiện đại bậc nhất của dòng xe tăng chủ lực do Đức chế tạo, cùng 109 xe chiến đấu bộ binh M2 trang bị tên lửa chống tăng do Mỹ sản xuất. Trận đột kích bất thành ngày 8/6 khiến Lữ đoàn 33 và 47 của Ukraine mất tới 5% lượng phương tiện chiến đấu chỉ trong một buổi sáng.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng đột phá hàng phòng ngự đối phương là giai đoạn khó khăn và gây thiệt hại lớn nhất cho bất cứ đơn vị tăng thiết giáp nào, điều được thể hiện rất rõ trong trận đánh gần làng Malaya Tokmachka.
Dưới hỏa lực của Nga, các đơn vị Ukraine đã phải rút khỏi tiền tuyến để bảo toàn phương tiện chiến đấu, trong đó có kíp vận hành xe phá mìn Leopard 2R. Tuy nhiên, họ phải bỏ lại cụm cày mìn hạng nặng do Anh sản xuất trên chiến trường.
Nếu điều kiện chiến trường thuận lợi hơn cho phía Ukraine, họ có thể kéo chiếc Leopard 2A6 và một số thiết giáp M2 về để sửa chữa. Quân đội Ukraine từng cố sửa một chiếc Leopard 2A4 bị hư hại trong giao tranh với Nga. Tuy nhiên, hai lữ đoàn Ukraine sẽ buộc phải thay đổi chiến thuật tiến công của mình sau thất bại ngày 8/6.
Chuyên gia phương Tây nhận định phòng tuyến của Nga ở phía nam làng Malaya Tokmachka rõ ràng vững chãi hơn những gì tình báo Ukraine nhận định. Trung đoàn bộ binh cơ giới số 70 và 291, Lữ đoàn đặc nhiệm số 22 và 45 cùng một đơn vị dự bị của Nga đang trấn giữ khu vực này.
Lữ đoàn 33 và 47 có thể phải đẩy nhanh tốc độ phá bãi mìn của Nga hoặc tìm đường vòng tránh. Trực thăng tấn công Nga là một trong yếu tố khiến cuộc đột kích ngày 8/6 thất bại, do đó Ukraine có thể cần điều pháo phòng không tự hành Gepard ra tiền tuyến để yểm trợ.
Cuộc đột kích của Lữ đoàn 33 và 47 gần làng Malaya Tokmachka có thể là thất bại lớn đầu tiên của Ukraine trong đợt phản công, song chuyên gia phương Tây tin rằng đây không phải là dấu hiệu cho thấy chiến dịch phản công lớn cũng có kết cục tương tự.
"Thiệt hại về vũ khí và trang thiết bị, trong đó có loại do phương Tây viện trợ, từ đầu cuộc phản công của Ukraine chưa phải dấu hiệu cho thấy diễn biến trong tương lai", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Mỹ, nhận định. "Điều quan trọng là không phóng đại tổn thất ban đầu về vũ khí phương Tây và các loại khác, đặc biệt trong những đợt đột kích vào phòng tuyến vững chắc của đối phương".
Nguyễn Tiến (Theo Forbes)