Tại Đối thoại Shangri-La năm nay ở Singapore, nhiều chuyên gia dự đoán về một cuộc đối đầu Mỹ - Trung quyết liệt, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia về chiến tranh thương mại và công nghệ đang tăng nhiệt. Nỗi lo lắng đó ban đầu được xoa dịu bởi giọng điệu gần như mang tính hòa giải từ phía Mỹ, nhưng sau đó bị đẩy lên cao bởi những tuyên bố đầy cứng rắn từ phía Trung Quốc.
Ngay từ bài phát biểu khai mạc sự kiện, nơi lãnh đạo quốc phòng các nước châu Á - Thái Bình Dương thảo luận về những vấn đề an ninh khu vực, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thể hiện mối lo âu này, khi nói rằng "thế giới đang đứng trước bước ngoặt, toàn cầu hóa đang bị đe dọa, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng". Đây rõ ràng cũng là quan điểm của nhiều nước khác có đại diện tham dự diễn đàn.
"Không cần đến Kissinger để thấy được những cội rễ của một cuộc đối đầu toàn cầu đang hình thành ở châu Á", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phát biểu tại sự kiện. "Chúng ta thấy nó trong chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh tiền tệ, chiến tranh ngôn từ và cả những tình huống chạm trán thường xuyên giữa tàu và máy bay của hai nước. Đây chỉ là khởi đầu".
Sự quan tâm cao độ được dồn vào bài phát biểu từ quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, với kỳ vọng rằng ông sẽ đưa ra những góc nhìn cụ thể về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Washington.
Tuy nhiên, Nick Bisley, chuyên gia tại Đại học LaTrobe, Australia, cho rằng bài phát biểu của Shanahan "hoàn toàn không liên quan tới chính sách quốc phòng và chính sách châu Á mà Mỹ đang theo đuổi". Theo ông, nếu đọc bài phát biểu mà không kèm tên diễn giả, người ta khó lòng xác định được nó đến từ chính quyền Tổng thống Trump, Obama hay Bush.
Trong bài phát biểu đầu tiên tại Đối thoại Shangri-La trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, Shanahan đã truyền đi một giọng điệu hòa giải khi ông lấy thời gian mình công tác tại Boeing làm ví dụ cho thấy cạnh tranh mà không có xung đột là điều khả thi. "Trung Quốc là khách hàng lớn nhất nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi phải hiểu cách thích nghi với thực tế đó", quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Shannahan có đề cập đến hoạt động ăn cắp sở hữu trí tuệ và những động thái quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, song đa phần đều không trực diện. Ông không trực tiếp đề cập đến tên Trung Quốc trong lời chỉ trích của mình, thay vào đó bằng cụm từ "một số quốc gia" trong khu vực.
David Capie, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Victory của Wellington, New Zealand, cho rằng việc giữ "tông" cân bằng luôn là thách thức đối với bất kỳ bộ trưởng quốc phòng Mỹ nào phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. "Nếu tới và phát biểu bằng những quan điểm cứng rắn, họ sẽ bị cáo buộc làm leo thang căng thẳng, nhưng nếu đưa ra giọng điệu kiềm chế, hòa hoãn hơn, họ sẽ bị đánh giá là không đủ mạnh mẽ, không đáng tin", Capie nhận xét.
Trong khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bất ngờ tỏ ra kiềm chế trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa một ngày sau đó lại đưa ra những tuyên bố mà theo như Bisley mô tả là đầy "gai góc và khiêu khích nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh".
Ngụy, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La trong gần một thập kỷ, lên tiếng biện hộ những hoạt động phi pháp mà Bắc Kinh thực hiện ở Biển Đông, đồng thời chỉ trích các bên mà ông gọi là "những kẻ đang cố làm lợi cho bản thân bằng cách khuấy đảo rắc rối trong khu vực".
Khi trả lời câu hỏi của cử tọa về các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ngụy biện rằng nước này chỉ xây dựng các "công trình phòng thủ hạn chế" trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp, vì cho rằng có những mối đe dọa từ "tàu chiến và máy bay quân sự vũ trang hạng nặng".
Về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Ngụy nhấn mạnh: "Nếu Mỹ muốn nói chuyện, chúng tôi sẽ để mở cánh cửa đối thoại. Nếu Mỹ muốn chiến tranh, chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng".
Trước các câu hỏi về vấn đề trại tập trung cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Ngụy không trả lời trực tiếp mà chỉ lấy dẫn chứng về việc Tân Cương gần đây ít xảy ra các cuộc tấn công khủng bố và thu nhập của người dân ngày một gia tăng để phản bác những cáo buộc nói rằng khu vực này đang bất ổn. "Với sự phát triển kinh tế lành mạnh như vậy, tại sao chúng ta không thể nói Tân Cương đang đi lên theo chiều hướng tốt?", ông cho hay.
Capie nhận xét bài phát biểu Ngụy tại hội nghị cho thấy một Bộ trưởng Quốc phòng "đầy tự tin về vị thế của quốc gia mình trong khu vực", nhưng không phải tất cả những người dự hội nghị đều nhất trí với điều này.
"Bài phát biểu rất tự tin, mạnh mẽ nhưng tôi không nghĩ nó đủ sức thuyết phục những người có mặt trong khán phòng. Không ai tin việc Trung Quốc chưa từng xâm chiếm bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử như tuyên bố của ông Ngụy", Capie nói.
Bonnie Glaser, giám đốc dự án Quyền lực Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cảm thấy khó hiểu về cách tiếp cận "cứng nhắc" của Bộ trưởng Ngụy khi ông phớt lờ "cành ôliu" mà Bộ trưởng Shanahan chìa ra. Bà hoài nghi liệu những mối lo lắng về hành động của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương có được Bắc Kinh để tâm tới.
"Thật tốt khi người Trung Quốc tới hội nghị và lắng nghe. Nhưng dựa trên cách mà các quyết định đang được đưa ra ở Trung Quốc hiện nay, cơ hội để những thông điệp ở đây có thể đến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần như bằng không. Vì thế, rất khó để giới lãnh đạo Trung Quốc nghe được những nỗi quan ngại từ bên ngoài", Glaser bình luận.
Bên cạnh đó, việc cả Trung Quốc và Mỹ đều không sẵn lòng lắng nghe những quan điểm lo ngại từ các quốc gia trong khu vực là điều khiến các quan chức, chuyên gia và học giả tại Shangri-La cảm thấy lo âu hơn hết, theo Bisley. Ông cho rằng mối lo lắng mà Thủ tướng Singapore nhắc tới ngày càng gia tăng chứ không thuyên giảm sau ba ngày Đối thoại Shangri-La diễn ra.
"Chúng ta đang bên bờ vực chiến tranh, sức nóng đang tăng lên, nhưng những lằn ranh mà hai nước vạch ra lại có sự khác biệt rõ ràng", Bisley nói. "Hai bên có tầm nhìn khác nhau với khu vực và những gì diễn ra ở hội nghị cho thấy cả hai phía đều sẽ không có bất cứ động thái nhượng bộ nào".
Vũ Hoàng (Theo News Room)