Nắng nóng năm nay đến sớm hơn thường lệ ở khu vực phía bắc và phía tây Trung Quốc, khiến vùng trồng ngô ở ngoại ô thành phố Thừa Đức, thuộc tỉnh Hà Bắc, mất mùa vì hạn hán.
Ở Hạ Bôn, thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc, nắng nóng làm quá tải lưới điện, gây ra sự cố mất điện diện rộng khiến 462 con lợn tại một trang trại chăn nuôi chết vì ngạt và nóng kéo dài.
Khu vực Tân Cương ngày 17/7 ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 52,2℃, trong khi nhiều vùng khác của Trung Quốc có nhiệt độ trung bình vượt 40℃.
Trong khi đó, tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc lại trong tình cảnh trái ngược. Những trận mưa năm nay đến sớm, kéo theo lũ lụt và làm ngập úng nhiều cánh đồng.
Đây là khu vực cung cấp 1/4 sản lượng lúa mạch của Trung Quốc, nhưng một phần lớn diện tích trồng trọt đã chịu thiệt hại không thể cứu vãn. Mưa lớn kéo dài cũng đang đe dọa mùa màng tại nhiều vùng nông nghiệp khác trên khắp miền nam Trung Quốc.
Theo hai chuyên gia Zhang Yumei và Fan Shenggen của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu cộng hưởng với hiện tượng El Nino năm nay "đang tăng thêm thách thức với ngành nông nghiệp đất nước và đe dọa an ninh lương thực dài hạn". Nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cấp kinh phí thực hiện dự báo sản lượng ngô, lúa gạo và lúa mì ở Trung Quốc đến năm 2030 giảm khoảng 8% vì hạn hán xảy ra thường xuyên hơn.
Đảm bảo lương thực với mức giá phải chăng cho đất nước hơn 1,4 tỷ dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình từ khi nhậm chức năm 2013 luôn quyết liệt thúc đẩy đất nước tự chủ nhiều hơn về nguồn cung lương thực. Ông thường xuyên nhấn mạnh thông điệp Trung Quốc cần "biết giữ chắc chén cơm của nhân dân và lấp đầy nó bằng hạt gạo Trung Quốc".
Trong Đại hội 20 đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12/2022, ông tái khẳng định an ninh lương thực là "vấn đề cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia". Tuy nhiên, mục tiêu an ninh lương thực đang đối diện thách thức chồng chất. Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới, nhưng có chưa tới 10% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, ngành nông nghiệp Trung Quốc năm 2022 sản xuất hơn 685 triệu tấn gạo. Đây là năm thứ tám liên tiếp nước này thu hoạch hơn 650 triệu tấn gạo, nhưng các quan chức cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Hạ Vinh, cảnh báo Trung Quốc khó có thể duy trì hoặc cải thiện năng suất trong thời gian tới.
Cùng với tiến trình hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng vài thập kỷ qua, diện tích đất trồng trọt của Trung Quốc ngày càng thu hẹp. Chính phủ Trung Quốc ước tính từ năm 2013 đến năm 2019, diện tích đất canh tác tại nước này giảm khoảng 5% vì nhiều nguyên nhân, như sử dụng quá mức phân bón, khai thác thiếu bền vững, thời tiết cực đoan, thay đổi môi trường, thiếu nước và ô nhiễm.
Tình trạng dân số già hóa ở vùng nông thôn cũng góp phần tác động tiêu cực lên năng suất nông nghiệp. Số người trên 65 tuổi ở vùng nông thôn Trung Quốc tính đến năm 2020 đã tăng gấp ba lần so với năm 1990, chiếm 18% cấu trúc dân số, theo khảo sát về nguồn lao động do Hiệp hội Nghiệp đoàn Trung Quốc công bố vào tháng 2.
Từ năm 2004, Trung Quốc liên tục nhập siêu nông sản. Tình trạng này một phần do nhu cầu thực phẩm cao cấp của thị trường ngày càng lớn do mức sống được cải thiện nhanh chóng, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu thế giới. Trung Quốc ngày nay là nước nhập khẩu đậu nành, ngô, lúa mì, lúa gạo và sản phẩm từ sữa nhiều nhất thế giới.
Trong giai đoạn 2000-2020, tỷ lệ tự cung cấp lương thực của Trung Quốc giảm từ 93,6% xuống 65,8%. Nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh đối với các mặt hàng đường, thịt, đồ hộp và dầu ăn. Năm 2021, gần 70% nhu cầu dầu ăn ở Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu, gần cao bằng tỷ lệ nhập khẩu dầu thô.
Năm 2015, Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia, trong đó có nội dung cho phép nhà nước sử dụng mọi biện pháp toàn diện để đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng lương thực. Từ năm 2004, các văn kiện trung ương luôn nhắc lại lưu ý chính sách cho "ba vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân".
Theo giới quan sát, Trung Quốc không muốn rơi vào thế bị động về an ninh lương thực nếu chuỗi cung ứng toàn cầu xáo trộn vì yếu tố bên ngoài. Những biến động quốc tế gần đây, như đại dịch Covid-19 và chiến sự Ukraine, càng củng cố thêm quyết tâm chính sách này.
Mã Văn Phong, chuyên gia cấp cao ở hãng tư vấn Nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh (BOABC), cho rằng yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh lương thực là cải thiện năng suất toàn diện ở nông thôn. Ông cảnh báo Trung Quốc đang bị những nền nông nghiệp tiên tiến bỏ xa về năng suất canh tác.
"Ngoại trừ lúa mì, năng suất của Trung Quốc ở hầu hết giống cây lương thực khác kém hơn những nước xuất khẩu lớn trên thế giới như Mỹ, Canada và Australia", ông Mã nói.
Even Pay, chuyên gia thuộc hãng tư vấn Trivium China, cho rằng Trung Quốc cần đẩy nhanh nghiên cứu những loại hạt giống có khả năng thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời nghiên cứu kỹ thuật và xây dựng hạ tầng canh tác trong điều kiện hạn hán.
Theo chuyên gia Hứa Ngân Long, Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, nước này trong năm 2022 đã chi hơn 129 tỷ USD để xây dựng hạ tầng trữ và cấp nước, tăng 44% so với một năm trước.
Những nỗ lực cải cách của Trung Quốc vẫn cần thời gian để chứng tỏ hiệu quả, đặc biệt khi biến đổi khí hậu đang dẫn đến tình trạng thời tiết cực đoan ngày càng khó lường và khắc nghiệt, theo hai chuyên gia Genevieve Donnellon-May của Đại học Oxford tại Anh và Trương Hoằng Châu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore. "Về dài hạn, tình trạng an ninh lương thực của Trung Quốc vẫn là ẩn số", hai chuyên gia này cho biết.
Thanh Danh (Theo China Daily, SCMP, Economist, CFR)