"Ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách ở các nước thu nhập thấp và trung bình hoài nghi các dự án lớn trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vì tình trạng đội giá, tham nhũng và lo ngại về nợ công", Brad Parks, đồng tác giả nghiên cứu được công bố tuần trước của AidData, phòng nghiên cứu thuộc Đại học William và Mary ở Mỹ, cho hay.
BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 nhằm khai thác thế mạnh tài chính của Trung Quốc để tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh mô tả là nhằm "xây dựng cộng đồng rộng lớn có chung lợi ích" khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, "dự án thế kỷ" của ông Tập đang phải đối mặt những thách thức lớn và phản ứng dữ dội ở nước ngoài, theo nghiên cứu của AidData. Các dự án trị giá 11,58 tỷ USD ở Malaysia bị hủy bỏ trong giai đoạn 2013-2021, trong khi con số này tại Kazakhstan là gần 1,5 tỷ USD và Bolivia là hơn một tỷ USD.
Nghiên cứu của AidData xem xét 13.427 dự án có tổng trị giá 843 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ ở 165 quốc gia trong vòng 18 năm. AidData lưu ý các cam kết tài trợ phát triển quốc tế hàng năm của Trung Quốc hiện gấp đôi Mỹ.
Tuy nhiên, những thay đổi lớn trong cảm xúc của công chúng khiến các nước tham gia khó có thể duy trì quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, Parks nói. Ngày càng nhiều dự án do Trung Quốc hậu thuẫn bị đình chỉ hoặc hủy bỏ từ khi BRI ra mắt.
Rủi ro tín dụng cũng tăng lên, với mức nợ Trung Quốc hiện vượt 10% GDP ở nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 35% dự án BRI đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, vi phạm luật lao động, ô nhiễm môi trường và sự phản đối của người dân sở tại.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định "không phải tất cả khoản nợ đều không thể trả" và từ khi ra mắt, BRI "nhất quán duy trì nguyên tắc cùng tham vấn, cùng đóng góp và cùng chia sẻ lợi ích". Nhiều quốc gia đối tác cũng cho biết sáng kiến này đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
He Lingxiao, phát ngôn viên Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc đứng đầu, có liên kết chặt chẽ với BRI, cho rằng "các nguyên tắc bao trùm của BRI là phù hợp".
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6, Mỹ công bố sáng kiến Build Back Better World (B3W), được coi là một đối trọng với BRI, nhằm huy động nguồn tài chính hỗ trợ các quốc gia đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng.
"B3W sẽ tăng lựa chọn trong thị trường tài chính cơ sở hạ tầng, có thể khiến một số nước quay lưng với các dự án BRI", Parks nói.
Nghiên cứu của AidData được nhiều tổ chức công và tư nhân tài trợ, trong đó có Quỹ Ford và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). AidData khẳng định nghiên cứu của họ độc lập, minh bạch và không bị các nhà tài trợ chi phối.
Huyền Lê (Theo Daily Star)