Không quân Mỹ hồi giữa tháng 6 điều hàng loạt tiêm kích F-15E thuộc Phi đoàn viễn chinh số 336 đến căn cứ không quân Al Dhafra thuộc Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đây là một phần động thái tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông nhằm đối phó với Iran trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang.
Toàn bộ phi đội F-15E hạ cánh xuống UAE đều được lắp tổ hợp radar AN/ASQ-236 dưới bụng. Đây là hệ thống trinh sát có nhiều tính năng hiện đại, có thể tăng cường khả năng trinh sát lãnh thổ Iran sau khi Tehran bắn rơi một trinh sát cơ không người lái (UAV) RQ-4N của Washington.
Một tổ hợp AN/ASQ-236 gồm radar mảng pha quét điện tử (AESA) cùng hệ thống định vị và làm mát, tất cả được bọc trong lớp vỏ khí động học để giảm sức cản cho máy bay. Hệ thống này có thể hoạt động như radar mảng pha nhìn ngang (SLAR), giúp tiêm kích F-15E xây dựng bản đồ địa hình tại những khu vực song song với đường bay, hạn chế nguy cơ bị bắn hạ khi xâm nhập không phận đối phương.
Một số nguồn tin giấu tên cho biết AN/ASQ-236 có độ nhạy cao tới mức phát hiện được mìn tự chế nằm lộ trên mặt đất hoặc các nhóm người đi bộ. Nó dường như cũng có thể định vị và xây dựng bản đồ di chuyển của vật thể trên mặt đất và mặt biển, liên tục theo dõi các mục tiêu được chỉ định. Những tính năng này khiến AN/ASQ-236 được đặt biệt danh là "Dragon's Eye" (Mắt rồng).
Ngoài chức năng trinh sát, AN/ASQ-236 cũng đóng vai trò là hệ thống chế áp điện tử cho tiêm kích F-15E. Tuy nhiên, tính năng này ít được nhà sản xuất đề cập.
AN/ASQ-236 không chỉ thu thập được thông tin tình báo có giá trị cao, mà còn cung cấp tham số mục tiêu cho các vũ khí chính xác như bom GBU-39. Nhiệm vụ này có thể thực hiện trong mọi điều kiện thời tiết, ngay cả khi mục tiêu bị che khuất bởi mây hoặc khói bụi.
Những chiếc F-15E hai chỗ ngồi là nền tảng lý tưởng để sử dụng AN/ASQ-236 trong các chiến dịch không kích tầm xa, tấn công mục tiêu giá trị cao trong lãnh thổ đối phương. Tốc độ siêu âm và tính năng cơ động tốt cũng giúp F-15E sống sót tốt hơn trước các hệ thống phòng không mặt đất so với mẫu RQ-4N.
Dù ra mắt từ năm 2009 và trải qua nhiều năm thử nghiệm, các hệ thống AN/ASQ-236 rất hiếm khi xuất hiện công khai và chưa từng được triển khai với số lượng lớn. Chúng dường như được biên chế với số lượng nhỏ cho các nhiệm vụ quan trọng, nhằm phục vụ yêu cầu cho chỉ huy chiến trường.
"Sự xuất hiện của phi đội F-15E mang radar Mắt rồng đến Trung Đông có thể giúp Mỹ lấp khoảng trống bị lộ ra sau vụ Iran bắn rơi chiếc RQ-4N, cũng như sẵn sàng tung đòn không kích trả đũa khi cần thiết", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway đánh giá.
Tổng thống Donald Trump hôm 21/6 cho biết Mỹ "đã lên đạn và sẵn sàng không kích" Iran để trả đũa vụ UAV bị bắn rơi, nhưng ra lệnh hủy cuộc tấn công do lo ngại số thương vong quá cao. Ông chủ Nhà Trắng sau đó gia tăng áp lực lên Iran bằng cách thêm lệnh trừng phạt kinh tế với lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và các quan chức cấp cao nước này.
Các tướng quân đội Iran tuyên bố sẽ không khuất phục trước sức ép cấm vận từ Mỹ và sẵn sàng bắn hạ nếu UAV Mỹ tiếp tục xâm phạm không phận nước này. Tư lệnh không quân Mỹ sau đó khẳng định hoạt động trinh sát trong khu vực sẽ không thay đổi.
Lã Linh (Theo Drive)