Những vấn đề xuất hiện đối với Hệ thống kiểm soát thông tin tự động (ALIS) có nhiệm vụ theo dõi "sức khỏe" của từng bộ phận trong mỗi chiếc tiêm kích F-35 đang đặt 2.500 máy bay trị giá 400 tỷ USD này trước nguy cơ không được tung hoành trên bầu trời, theo CNN.
ALIS, được Lầu Năm Góc ví như "bộ não" của F-35, là một hệ thống phức hợp lớn bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng hỗ trợ bảo trì và sửa chữa gồm các thiết bị điện toán cần thiết nhằm đảm bảo các linh kiện đã được lắp đặt đúng cách trước khi cất cánh.
Theo bình luận viên quốc phòng kỳ cựu Zachary Cohen, vướng mắc hiện nay nằm ở chỗ thiếu một hệ thống kiểm tra nhằm đảm bảo phần mềm của F-35 hoạt động trơn tru khi những chiếc máy bay này sẽ được trang bị cho Không quân Mỹ vào tháng 8. Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố đang có kế hoạch nâng cấp và xử lý các vấn đề về phần mềm của phi đội máy bay F-35. Các phi đội này đã được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2015.
Tuy nhiên, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) cho hay không có gì đảm bảo rằng phần mềm này sẽ hoàn thành trước năm 2019, thời điểm mà dự án F-35 bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Không giống như các phần cứng của máy bay như khung cánh hay động cơ, phần mềm điều khiển được cài vào các máy tính đặt tại trung tâm chỉ huy để hỗ trợ triển khai hoạt động tác chiến, bảo trì, bảo dưỡng...
Khi vận hành, ALIS sẽ xâm nhập vào từng máy bay và thẩm định từng bộ phận của F-35 để đánh giá mức độ chính xác và ổn định của chúng, lấy đó làm cơ sở để tiến hành hoạt động bảo trì.
GAO nhận định Bộ Quốc phòng Mỹ không có một kế hoạch đảm bảo rằng hệ thống phần mềm trên sẽ hoạt động trơn tru và đúng thời hạn để F-35 có thể được sản xuất hàng loạt. Đây là yêu cầu chung đối với mọi chương trình vũ khí để bảo đảm rằng các thiết bị này hoạt động ổn định và có hệ thống hỗ trợ hậu cần đáng tin cậy.
Nếu không giải quyết được những trục trặc về phần mềm trên thì toàn bộ các siêu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này sẽ bị "đắp chiếu", GAO cảnh báo. Để giải quyết được các vấn đề kỹ thuật phát sinh này, GAO ước tính sẽ cần đầu tư thêm 20-100 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tạp chí JHS Janes's hồi đầu tháng ba cho rằng F-35 còn tồn tại nhiều lỗi phần mềm trong hệ thống tác chiến. Các lỗi này dẫn đến tình trạng phi công liên tục phải tái khởi động hệ thống radar của máy bay. Cách xử lý lỗi kiểu thô sơ trên chiếc tiêm kích tàng hình tối tân này khiến F-35 gần như bị "mù" trong khoảng thời gian nhất định trong quá trình bay cũng như trước các mối đe dọa từ đối phương.
Một quan ngại khác mà GAO nêu ra là theo thiết kế hiện nay, tất cả dữ liệu của F-35 đều được đưa về một đơn vị điều hành duy nhất mà không có một hệ thống sao lưu dữ liệu dự phòng.
Các lãnh đạo của GAO cho rằng bất chấp những tuyên bố trấn an dư luận từ giới chức quân sự và nhà thầu quốc phòng Mỹ, các chuyên gia vẫn cho rằng dự án F-35 là một khoản đầu tư lãng phí của quân đội Mỹ. Báo cáo của GAO về các vấn đề phần mềm của F-35 chỉ là những phát hiện mới nhất liên quan tới chương trình phát triển vũ khí trị giá gần 1.500 tỷ USD trên của Mỹ.
"Quan trọng là chương trình này đã vượt quá ngân sách cho phép, đồng thời không triển khai đúng tiến độ", Jackie Speier, thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, chỉ trích.
Thách thức lộ diện
Mặc dù hứng chịu chỉ trích từ nhiều phía, các quan chức quân sự Mỹ và nhà thầu sản xuất vẫn hy vọng về khả năng sớm ra mắt của chiếc siêu tiêm kích thế hệ 5 hiện đại nhất của Washington.
Bình luận viên Cohen nhận định F-35 vẫn được giới quân sự đánh giá là vũ khí có sức hủy diệt cao và là loại máy bay tấn công hiện đại nhất hiện nay. Máy bay đa nhiệm này có thể đồng thời tham gia các cuộc không chiến, cũng như tấn công các mục tiêu mặt đất, và cả các nhiệm vụ tình báo, do thám, trinh sát. Ngoài việc biên chế cho các lực lượng Không quân, Hải quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ, F-35 sẽ còn nằm trong biên chế của 10 quốc gia khác.
Trung tướng Chris Bogdon, sĩ quan điều hành dự án F-35, nhấn mạnh những phát hiện trên của GAO không đáng ngạc nhiên và các vấn đề được nêu ra trong báo cáo trên đang được xử lý.
"Máy bay F-35 đang trong quá trình phát triển và đây là thời điểm các thách thức về mặt kỹ thuật lộ diện. Dẫu vậy, chúng tôi tin rằng chính phủ và các nhóm nghiên cứu sẽ giải quyết được các vấn đề hiện nay cũng như những vấn đề khác phát sinh trong tương lai", ông Bogdon khẳng định.
Ngoài ra, tướng Bogdon còn tiết lộ Văn phòng Điều hành Dự án đang xây dựng một kế hoạch tổng thể để giải quyết các vấn đề liên quan tới phần mềm xử lý thông tin trước khi đưa F-35 vào sản xuất đại trà.
Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin, nhà thầu chính của dự án, cam kết việc phát triển phần mềm xử lý thông tin của F-35 vẫn đang được triển khai đúng tiến độ và sẽ hoàn thành đúng thời hạn.
"Trong khi ALIS đang được tiếp tục phát triển, trọng tâm của chúng tôi với chiến đấu cơ thế hệ mới này là phát triển một hệ thống quản lý phi đội hiệu quả nhất nhằm đảm bảo sự hoạt động ổn định của F-35 trong 5 thập kỷ tới", người phát ngôn Sharon Parsley của Lockheed Martin nói.
Nguyễn Hoàng